Tăng cường quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản

Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tích cực; ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản về bảo đảm ATTP đối với cộng đồng, xã hội được nâng lên. Nhiều mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đang được xây dựng và nhân rộng...

Kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở giết mổ gia súc tại phường Chiềng Cơi (Thành phố).   

Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, toàn tỉnh hiện có gần 6.000 ha rau an toàn, sản lượng đạt 77.350 tấn/năm, gồm: Cải bắp, súp lơ, su hào, rau ngót, su su, dưa chuột...  Việc thu gom, sơ chế rau do các cơ sở sản xuất tự thực hiện và được thương lái thu mua tại vườn hoặc do cơ sở sản xuất đưa đi tiêu thụ trong tỉnh, phân phối về thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Về nguồn thực phẩm, bình quân mỗi năm toàn tỉnh đạt sản lượng gần 9.200 tấn trâu, bò hơi; 35.100 tấn lợn hơi; hàng nghìn tấn gia cầm và hơn 6.000 tấn thủy sản...

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm rau, thịt an toàn, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh mặt hàng nông, lâm, thủy sản để đưa vào danh sách quản lý, kiểm tra và đánh giá xếp loại định kỳ theo mức A, B, C và công bố kết quả xếp loại để người tiêu dùng biết. Kết quả năm 2016, Chi cục đã đưa vào danh sách quản lý hơn 4.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm thủy sản. Trong đó, có 958 cơ sở sản xuất và 281 cơ sở kinh doanh rau; 1.132 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; 799 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô hộ gia đình; 666 cơ sở kinh doanh thịt, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm và 584 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản. Qua kiểm tra, xếp loại điều kiện bảo đảm ATTP, có 865 cơ sở loại A, gần 2.500 cơ sở loại B, 694 cơ sở loại C, còn gần 500 cơ sở đã lập danh sách để chuẩn bị kiểm tra. Chi cục đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho hơn 830 cơ sở và tổ chức cho gần 500 cơ sở ký cam kết bảo đảm ATTP.

Theo thống kê từ năm 2013 đến năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã lấy 22 mẫu thủy sản và 33 mẫu thịt, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP. Kết quả, 18 mẫu thủy sản và 32 mẫu thịt đạt yêu cầu; phát hiện 4 mẫu thủy sản và 1 mẫu thịt tồn dư chất cấm URE và Sabutamol. Chi cục đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng và địa phương thu giữ tang vật, truy xuất nguồn gốc. Qua đó, phát hiện, xử phạt chủ vật nuôi là gia đình ông Lường Văn Pọm, bản Nà Cành, xã Thôm Mòn (Thuận Châu), yêu cầu gia đình ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Chi cục còn hỗ trợ 28 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, duy trì, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả, thịt, thủy sản an toàn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP. Trong đó, có 12 chuỗi đã hoàn thiện đang được duy trì, 16 chuỗi đang phát triển nhân rộng. Chi cục đã hỗ trợ hình thành 5 cửa hàng kinh doanh rau, củ, quả an toàn tại thành phố và các huyện: Yên Châu, Mộc Châu. Ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, cho biết: Vì lợi nhuận trước mắt hoặc do thiếu hiểu biết mà vẫn còn hộ dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không đúng hướng dẫn sử dụng, không đúng đối tượng cây trồng. Vẫn còn không ít cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm chưa có hệ thống xử lý chất thải đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lan truyền dịch bệnh, trong khi hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản còn thiếu về kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về Luật an toàn thực phẩm chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc xử lý vi phạm còn hạn chế...

Để đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tăng cường phối hợp và tạo điều kiện để Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản thực hiện tốt công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP; tập huấn kiến thức và hướng dẫn thực hành ATTP theo chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo quy trình VietGAP. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới