Ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định: Các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Cơ sở giết mổ gia súc của gia đình ông Cà Văn Xôm, bản Mé Ban,

phường Chiềng Cơi (Thành phố) được kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 540 cơ sở giết mổ gia súc, 71 cơ sở giết mổ gia cầm, 75 cơ sở chế biến giò chả và gần 100 cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, vì lợi nhuận nên vẫn còn người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm. Đặc biệt, vừa qua Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La đã kiểm tra một số cơ sở giết mổ và lấy mẫu thịt lợn gửi về Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản Vùng I (Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNT) để kiểm nghiệm và phân tích, trong đó phát hiện một mẫu thịt lợn dương tính với chất Salbutamol (một loại chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh ta). Truy xuất nguồn gốc, chủ vật nuôi là gia đình ông Lường Văn Pọm, bản Nà Cành, xã Thôm Mòn (Thuận Châu). Sau đó, Chi cục phát hiện chủ cơ sở giết mổ gia cầm là bà Trần Thị Hồng Điệp và bà Đỗ Thị Thúy ở chợ 7-11 (Thành phố) có tàng trữ chất cấm Vàng O nhưng chưa sử dụng. Chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử phạt hành chính hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, yêu cầu ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm đối với các gia đình và cơ sở kinh doanh trên.

Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La, được biết: Chất Salbutamol khi trộn vào thức ăn gia súc sẽ có tác dụng làm cho lợn lớn nhanh, vai và mông nở, tỷ lệ nạc cao, màu sắc thịt đỏ hơn... Nếu chất Salbultamol tồn dư trong thịt gia súc sẽ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng, như: rối loạn chức năng tim và phổi, khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, phù nề, liệt cơ, run cơ, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, ngộ độc cấp tính, dễ gây ung thư... Phụ nữ có thai ăn thịt có tồn dư chất cấm, nguy cơ rối loạn giới tính đối với thai nhi. Còn chất Vàng O khi pha vào nước để nhuộm da gà, vịt sau khi giết mổ sẽ tạo màu vàng bắt mắt và dễ bán hơn; chất này sẽ gây ảnh hưởng tế bào gan, thận, tủy xương và dẫn đến nguy cơ ung thư cao.

Ông Nguyễn Văn Huân, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh chưa có các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, do vậy, với hàng trăm lò giết mổ gia súc, gia cầm quy mô hộ gia đình hoạt động hằng ngày thì các cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Cùng với đó, còn có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã bất chấp quy định của pháp luật, lén lút cho chất cấm vào thức ăn gia súc, nên rất khó phát hiện.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ. Bên cạnh đó, người dân cần tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ  gia súc và gia cầm để báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương biết, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Danh mục các chất bị cấm trong thức ăn chăn nuôi

 

- 22 hóa chất, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm bị cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư 28/2014/TT-BNNPTNT từ 20/10/2014. Theo đó: Cấm tuyệt đối các hóa chất dùng để kích thích tăng trưởng (tạo nạc, tăng trọng) cho gia súc, gia cầm, như: Carbuterol, Cimaterol, Clenbuterol, Chloramphenicol, Diethylstilbestrol (DES), Dimetridazole, Fenoterol, Furazolidon và các dẫn xuất nhóm Nitrofuran, Isoxuprin, Methyl-testosterone, Metronidazole, 19 Nor-testosterone, Ractopamine, Salbutamol, Terbutaline, Stilbenes, Trenbolone, Zeranol, Melamine (Với hàm lượng Melamine trong thức ăn chăn nuôi lớn hơn 2,5 mg/kg), Bacitracin Zn,  Carbadox, Olaquidox.

- Ngày 16/11/2016, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ban hành danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Theo đó, bổ sung 5 loại vàng ô vào danh mục này gồm: VAT YELLOW 1, VAT YELLOW 2, VAT YELLOW 3, VAT YELLOW 4, Auramine và các dẫn xuất của Auramine hay còn được gọi là cơ bản màu vàng 2, sử dụng trong công nghệ dệt nhuộm.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới