Những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tập trung nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, xuất bản các công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử và thực tiễn, góp phần quan trọng để xây dựng hệ thống tư liệu khoa học lịch sử, văn hóa, xã hội của tỉnh phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương.
Hội hiện có 132 hội viên, sinh hoạt ở 4 chi hội trực thuộc. Hội viên khá đa dạng về thành phần, lứa tuổi, có trình độ chuyên môn, công tác trong các lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu khoa học, xây dựng Đảng, lịch sử, văn hóa, xã hội. Ông Hà Xuân Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử tỉnh, cho biết: Hội đã phát huy tốt vai trò, chức năng tập hợp, giúp hội viên phát huy sở trường, năng lực, đóng góp vào quá trình nghiên cứu khoa học lịch sử của tỉnh.
Những năm qua, Hội đã đóng góp lớn trong việc phối hợp, nghiên cứu, hoàn thiện các đề tài khoa học như: “Địa chí Sơn La”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Thuận Châu (1945-2015)”, “Lịch sử phong trào Phụ nữ tỉnh Sơn La (1945 - 2015)”... Hoàn thành biên soạn và phát hành cuốn sách “Hậu phương chiến tranh nhân dân tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)”. Công trình nghiên cứu công phu, tái hiện chi tiết một giai đoạn hoạt động cách mạng của nhân dân Sơn La trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ các xã thuộc huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Mai Sơn; tổ chức hơn 30 hội thảo về lịch sử Đảng bộ; xây dựng tham luận và góp ý tại các hội thảo cấp tỉnh, cấp quốc gia. Hoạt động nghiên cứu của Hội cũng hướng đến việc làm rõ các vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử địa phương, như: Xác minh danh tính của các liệt sỹ hi sinh tại trận đánh đồn Mộc Lỵ, Ngã ba Cò Nòi; nghiên cứu thân thế và hoạt động của các cựu tù chính trị Sơn La, như: Trần Quý Kiên, Văn Chiến, Ngô Đình Mẫn, Tô Hiệu... và các nhân vật lịch sử địa phương, như: Cầm Văn Thinh, Cầm Văn Dung, Bế Văn Điềm, Lò Văn San, Hoàng Nó...
Anh Hà Ngọc Hòa, hội viên Chi hội Văn phòng, cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đọc rất nhiều tài liệu, đối chiếu, so sánh, kết hợp với khảo sát thực tế để thu thập tư liệu, chứng cứ, làm rõ các sự kiện, vấn đề hoặc nhân vật. Những đề tài được ưu tiên hiện nay là tập trung nghiên cứu về các nhân vật lịch sử, các di tích lịch sử chưa được công nhận, nghiên cứu và điều tra để phục vụ công tác chi trả chế độ chính sách đối với những người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến trước đây.
Hội tích cực sưu tầm, biên soạn và phát hành bản tin “Sơn La - xưa và nay”, với lượng phát hành 1.300 ấn phẩm mỗi số, “Sơn La - xưa và nay” được phát hành đến các nhà trường trong hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. 5 năm qua, Hội đã tổ chức xuất bản 20 số với hàng trăm bài viết có giá trị. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng các bản tin chuyên đề với những bài viết nghiên cứu sâu sắc theo chủ điểm, tô đậm thêm cho các sự kiện trọng đại của tỉnh, giới thiệu được những nhân vật tiêu biểu của địa phương, giúp bức tranh lịch sử của tỉnh thêm rõ nét, phong phú và đầy đủ hơn.
Chị Lường Hoài Thanh, Chi hội trưởng Chi hội khoa học lịch sử Trường đại học Tây Bắc, chia sẻ: Những bài viết nhìn nhận sâu sắc, đặt những vấn đề đáng quan tâm về văn hóa hiện nay, có ý nghĩa thiết thực cho công tác tuyên truyền.
Với sự nỗ lực, tâm huyết của các hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh góp phần hệ thống hóa kho tư liệu lịch sử, giáo dục về nguồn cội dân tộc và lòng yêu quê hương đất nước cho các thế hệ, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!