Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, Bảo tàng tỉnh đang nỗ lực số hóa các hiện vật khảo cổ, tư liệu về thời chiến, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể... lên không gian số, góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Bảo tàng tỉnh hiện có 5 kho lưu trữ với gần 24.000 tư liệu, hiện vật được sưu tầm, bảo quản có niên đại từ thời kỳ tiền - sơ sử cho đến các giai đoạn kháng chiến sau này và các tư liệu, hiện vật đặc trưng về văn hóa các dân tộc tại Sơn La.
Các hiện vật, tư liệu tại đây được đánh giá có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ vào bảo quản, lưu trữ giúp quản lý các hồ sơ, tư liệu, hiện vật, di vật, cổ vật theo hướng khoa học, hiệu quả, giúp kéo dài tuổi thọ của tài liệu gốc, giảm bớt không gian lưu trữ, thuận lợi khi tra cứu; đồng thời, đáp ứng nhiệm vụ trong thời đại công nghệ số.
Ông Lò Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng, Bảo tàng tỉnh, cho biết: Với vai trò là những người trực tiếp thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng, hằng năm, chúng tôi tiến hành kiểm kê đồng bộ, nghiên cứu chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học, kèm bản chụp các hình ảnh tư liệu, hiện vật đang được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh. Cùng với đó, ứng dụng một số phương pháp sử dụng mã QR Code trong việc quản lý tư liệu của một số phòng trưng bày chuyên đề để người dùng dễ dàng khai thác thông tin theo yêu cầu chỉ với thao tác quét mã.
Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện tư liệu hóa và số hóa 2.079 hiện vật khảo cổ học; 1.840 phim; 642 cuốn sách chữ Thái cổ, 108 quyển sách Dao cổ; scan, số hóa 2.362 hồ sơ di tích; kiểm kê 100 lý lịch hiện vật lịch sử - văn hóa, 388 lý lịch, hiện vật kháng chống Pháp, chống Mỹ; 580 hiện vật dân tộc học; 3.360 ảnh thuộc các chủ đề.
Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tư liệu hóa và số hóa 500 hiện vật, 2.835 tư liệu giấy, 450 tư liệu ảnh. Mục tiêu trong năm 2023, Bảo tàng tỉnh sẽ thực hiện số hóa 750 tư liệu phim, ảnh; nhập dữ liệu số và đưa vào lưu trữ tại phần mềm 74 quyển sách chữ Thái cổ. Trong giai đoạn 2022-2030, sẽ thực hiện số hóa toàn bộ các hiện vật, tư liệu đang được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh.
Cùng với việc quản lý số hiện vật, tư liệu qua số hóa, Bảo tàng tỉnh cũng thực hiện các giải pháp để giới thiệu, quảng bá di sản giá trị của Sơn La đến công chúng. Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin: Bảo tàng tỉnh đặc biệt chú trọng các hoạt động truyền thông, quảng bá di sản. Trong đó, trang web www.baotangsonla.vn ra mắt từ năm 2019 đã cập nhật thường xuyên thông tin, tư liệu và giới thiệu các chương trình, hoạt động, quảng bá hình ảnh của Bảo tàng. Đơn vị cũng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và logo Bảo tàng Sơn La, thực hiện các chuyên mục giới thiệu về di sản văn hóa, các di tích, danh thắng tiêu biểu, lễ hội truyền thống và hoạt động phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Đề tài “Ứng dụng công nghệ VR xây dựng mô hình tham quan di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La” để quảng bá rộng rãi về các di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà đến với đông đảo công chúng.
Là một giáo viên dạy môn lịch sử tại Trường THPT Quỳnh Nhai, cô giáo Hoàng Thị Vân luôn tìm tòi, nghiên cứu các kiến thức về lịch sử - văn hóa địa phương để cập nhật thêm và truyền đạt lại cho học sinh.
Cô Vân chia sẻ: Trước đây, khi muốn tìm kiếm những hình ảnh về di tích, hiện vật khảo cổ của Sơn La để giới thiệu cho học sinh không hề dễ dàng bởi thông tin trên internet không nhiều. Chỉ khi có dịp đến bảo tàng, những khu vực trưng bày thì mới có cơ hội chụp ảnh lại làm tư liệu để dùng khi cần. Bây giờ việc tìm kiếm thông tin và hình ảnh về khảo cổ học, lịch sử các thời kỳ của Sơn La rất dễ dàng thông qua website của Bảo tàng tỉnh hoặc trên các trang báo, trang thông tin điện tử hay những tư liệu đã được mã hóa. Nhờ đó, giờ giáo dục địa phương của cô và trò sinh động và thú vị hơn.
Em Thào Sồng Tủa, lớp 12, Trường PTDT Nội trú tỉnh hào hứng nói: Em rất yêu thích môn lịch sử nên thường xuyên tra cứu thông tin trên website của Bảo tàng tỉnh, tìm đọc những bài viết liên quan đến lịch sử Sơn La. Đây là những thông tin giúp bổ sung kiến thức rất lớn cho môn học lịch sử trên lớp, nhất là phần học về lịch sử địa phương.
Công nghệ hiện đại đã giúp những người làm công tác bảo tàng dễ dàng hơn trong việc quản lý công việc chuyên môn. Những tư liệu, hiện vật từ thời cổ đại đến hiện đại được số hóa bằng hình ảnh, công nghệ 3D, dữ liệu số… giúp các di sản được giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới cộng đồng xã hội và phát huy ngày càng tốt hơn những giá trị to lớn từ các di sản mà cha ông để lại.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!