Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh giúp nhân dân các dân tộc đoàn kết, phát triển kinh tế, giảm nghèo, xã Quang Huy, huyện Phù Yên chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, một số nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Quang Huy là xã trung tâm của vùng lúa Phù Yên, được cho là một trong những cái nôi của văn hóa Mường Tấc. Những năm qua, xã phối hợp với các phòng, ban của huyện rà soát, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời, tổng hợp những sản phẩm truyền thống có nguy cơ bị mai một đề nghị UBND huyện và các cơ quan chuyên môn hướng dẫn quy trình bảo tồn.
Ông Cầm Văn An, Chủ tịch UBND xã Quang Huy cho biết: Trên cơ sở thống kê nghề truyền thống, văn hóa, chữ viết... UBND xã đã rà soát, đánh giá những hạng mục văn hóa cần được bảo tồn khẩn cấp, trong đó, chữ Thái hiện đã có sự mai một, do số người biết chữ trên địa bàn xã không còn nhiều. Do đó, xã đã đề nghị các phòng, ban của huyện hỗ trợ mở lớp dạy chữ Thái nhằm duy trì, bảo tồn chữ viết. Ngoài ra, vận động những người trẻ tuổi trên địa bàn xã chưa có việc làm học các nghề truyền thống. Vận động, thuyết phục những hộ gia đình, tổ sản xuất duy trì nghề truyền thống tạo điều kiện dạy nghề miễn phí cho người trẻ tuổi có nhu cầu.
Hiện nay, Quang Huy có trên 30 hộ gia đình duy trì các nghề truyền thống, như dệt thổ cẩm, bó chổi chít và các sản phẩm từ mây tre đan; có khoảng 50 thanh niên đang học nghề dệt thổ cẩm, bó chổi chít... Thu nhập từ các sản phẩm truyền thống này ở mức khá ổn định, sau khi trừ chi phí, số tiền lãi mỗi tháng khoảng từ 15 triệu đồng trở lên/hộ.
Bà Đinh Thị Việt, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, chia sẻ: Tôi học nghề dệt vải từ năm lên 14 tuổi và đã duy trì nghề này trong 40 năm nay. Hiện nay, mỗi tháng tôi dệt được khoảng 15-20 cuộn vải theo đơn đặt hàng của khách, giá mỗi cuộn vải xuất bán khoảng 700-900 nghìn đồng tùy vào loại vải khách yêu cầu. Nhu cầu đặt hàng hiện nay cũng tăng khá nhiều, tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất gặp khó, do thiếu người làm, vì vậy tôi luôn sẵn sàng truyền dạy nghề cho bất cứ ai muốn học.
Tại xã Quang Huy còn duy trì, phát triển nghề bó chổi chít. Bà Hoàng Thị Chưng, bản Mo 2, cho hay: Đây là nghề tôi được gia đình truyền lại. Cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình cũng thay đổi nguyên liệu đầu vào để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Mỗi tháng, gia đình xuất bán 300 sản phẩm và tạo điều kiện cho 2 lao động vừa học việc và vừa làm, được trả công trên cơ sở số lượng sản phẩm làm ra. Tôi mong rằng nghề này sẽ được mở rộng trong thời gian tới để không bị mai một.
Bên cạnh đó, Quang Huy duy trì tổ chức Lễ hội Xíp xí hằng năm, để bảo tồn, quảng bá nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái trắng trên địa bàn. Chỉ đạo các bản duy trì các đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên luyện tập các điệu múa truyền thống. Khuyến khích người trẻ tuổi tham gia để có sự tiếp nối lâu dài, bảo tồn các giá trị văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Hiện nay, toàn xã có 10 đội văn nghệ, với 20-23 thành viên/đội; trong đó, thành viên các đội văn nghệ ở nhóm tuổi dưới 30 chiếm khoảng 30%. Việc luyện tập, dàn dựng các tiết mục, ưu tiên các bài hát, điệu múa dân gian các dân tộc Thái, Mường, Mông. Đồng thời, tham khảo thêm các động tác hiện đại kết hợp với truyền thống phù hợp với yêu cầu trong từng hội thi, hội diễn và biểu diễn phục vụ nhân dân.
Với phương châm “Hòa nhập không hòa tan”, cấp ủy, chính quyền xã Quang Huy tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện rà soát, bảo tồn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần đưa các giá trị văn hóa trở thành động lực trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!