Phát huy giá trị các di tích lịch sử

Tại tỉnh Sơn La còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử gắn liền với các cuộc kháng chiến oanh liệt của cha ông trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, là những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng giàu ý nghĩa.

Học sinh tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Toàn tỉnh đang có 91 di tích, trong đó có 63 di tích đã được xếp hạng với đủ 4 loại hình: Di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Trong số đó, di tích lịch sử văn hóa chiếm hơn nửa với 55 di tích, bao gồm: Nhà tù, nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm, kỳ đài, khu tưởng niệm, các địa chỉ liên lạc thời chiến tranh... Hiện nay, có 2 di tích lịch sử đã được xếp hạng  di tích quốc gia đặc biệt là Nhà tù Sơn La và Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào (huyện Yên Châu). Những năm qua, các di tích lịch sử của tỉnh đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo bằng các nguồn kinh phí của địa phương và xã hội hóa, giúp bảo tồn, lưu giữ chứng tích về các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Bảo tàng tỉnh đang quản lý 6 địa điểm di tích lịch sử. Các di tích còn lại sau khi được kiểm kê, xếp hạng và chưa xếp hạng đều được phân cấp và bàn giao cho địa phương quản lý, bảo vệ. Bảo tàng tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn về tổng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La 5 năm/lần làm căn cứ xếp hạng các di tích của tỉnh. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm và vai trò của các cấp, ngành, các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh.

Trải qua 5 lần tu bổ, tôn tạo từ năm 2018 đến nay, Nhà tù Sơn La đã được khôi phục một số khu vực bị chiến tranh phá hủy và giữ nguyên kiến trúc, giúp người tham quan có thể hình dung được sự khắc nghiệt của chế độ lao tù ở nơi được coi là “địa ngục trần gian”. Mỗi năm, di tích đón trên 200.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, trở thành địa chỉ không thể bỏ lỡ của du khách khi có dịp đến Sơn La. Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động tham quan, xây dựng các chuyên đề tuyên truyền và nội dung thuyết minh phong phú phục vụ công tác giáo dục truyền thống; phối hợp với các trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, di sản văn hóa địa phương bằng các hình thức như: “Rung chuông vàng”, trải nghiệm “Em yêu lịch sử”... tạo sân chơi hấp dẫn cho học sinh, sinh viên và thu hút đông đảo du khách đến với Bảo tàng và Nhà tù Sơn La.

Thầy giáo Lưu Văn Khải, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú tỉnh, chia sẻ: Các hoạt động trải nghiệm về lịch sử văn hóa tại Bảo tàng tỉnh gắn với Nhà tù Sơn La có ý nghĩa rất thiết thực, giúp học sinh tìm hiểu, trải nghiệm thực tế, hiểu hơn về truyền thống lịch sử của quê hương, bồi đắp tình yêu với môn lịch sử. Đây cũng là giải pháp hữu ích để nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử địa phương cho học sinh.

Một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh cũng phát huy tốt giá trị là nơi giáo dục truyền thống cách mạng và là địa điểm tham quan ý nghĩa của du khách khi đến Sơn La. Tiêu biểu, như: Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào (Yên Châu); Di tích Văn bia Quế Lâm ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông (Thành phố); Di tích lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến, Di tích Đồn Mộc Lỵ (Mộc Châu); Di tích Kỳ đài Thuận Châu (Thuận Châu)...

Chị Lò Ngọc Muốn, thuyết minh viên tại di tích lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến, Mộc Châu, cho hay: Mỗi năm, di tích đón trên 10.000 lượt khách là các đoàn cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, đoàn công tác trong và ngoài tỉnh. Du khách khi đến đây vãn cảnh, dâng hương tại văn bia tưởng niệm và bày tỏ niềm xúc động khi được nghe thuyết minh, giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của di tích lưu niệm này.

Cùng với đó, các thông tin về một số điểm di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu được đăng tải trên các trang thông tin của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trang thông tin các địa phương; in ấn trên tập gấp song ngữ Anh - Việt và phát hành rộng rãi để giới thiệu như một điểm đến ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử không chỉ thể hiện sự trân trọng của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh to lớn của cha ông vì độc lập, tự do của dân tộc, mà còn phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch, tạo điểm nhấn cho du lịch ở các địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới