Với đồng bào dân tộc Thái, đã từ lâu đời, điệu khắp không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, điệu khắp gắn liền với nét văn hóa truyền thống và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.
Trong tiếng Thái, khắp có nghĩa là hát. Lời khắp là những lời được sắp xếp có vần, có điệu như những câu thơ. Hình thức chủ yếu là loại thơ năm chữ, sáu chữ, bảy chữ hoặc nhiều hơn. Ngành Thái trắng (tay đon, tay khao), hay ngành Thái đen (tay đăm) có cách khắp, lối thể hiện, nhấn nhá khác nhau; những điệu khắp có thể được bắt đầu bằng “ha ...ôi”, “xái panh ha ơi”, “hà ơi panh ơi”, “ói ói panh à panh ơi”... nhưng tựu chung lại đều phản ánh nội dung về cuộc sống của con người, về quá trình lao động sản xuất, vui chơi giải trí và trong nghi lễ tín ngưỡng...
Khi mới sinh ra, các em bé dân tộc Thái đã được nghe làn điệu ru con (khắp ú luk non) nhẹ nhàng, sâu lắng. Tuổi thiếu niên, được tham gia các trò chơi kết hợp với làn điệu đồng dao (khắp lếch nọi) vui nhộn. Ở tuổi trưởng thành có các làn điệu giao duyên trai gái hay hát chơi hạn khuống (khắp báo sao). Khi xây dựng gia đình có hát đối trong lễ cưới (khắp au paự, au khưới); làm nhà ở có hát xin lên nhà mới (khắp chôm mâng hướn máư). Trong các nghi lễ có khắp xên, hoạt động lao động sản xuất có hát trên nương, dưới ruộng, hát trong lễ cầu mưa, cầu mùa màng bội thu (khắp loong tông)...
Trong kho tàng dân ca Thái còn có làn điệu khắp sư, lối hát kể chuyện bản mường bằng thơ, kể chuyện những bước đường chinh chiến của cha ông (Táy Pu Sơc), truyện đôi lứa, truyện cổ tích, truyện Ca Đông - Căm Lau, Ý Nọi Nang Xưa, Khun Lú nang Ủa (chàng Lú nàng Ủa), Xống chụ xôn xao (tiễn dặn người yêu), Tản chụ xống xương (tâm tình yêu thương)... Với làn điệu này có thể hát từ đầu đến hết bài thơ hay một câu chuyện dài, trong khi hát được phép thêm vào những nốt luyến láy, nhịp điệu đôi lúc có thể tự do, nhanh hoặc chậm hơn so với làn điệu chính để phù hợp với nội dung bài thơ.
Làn điệu hát giao duyên giữa thanh niên nam nữ (khắp báo sao) thường được cất lên trong các cuộc vui, dịp tết, mùa lễ hội và cũng là mùa của nam thanh, nữ tú tỏ tình, trao duyên. Thường một bên nam, một bên nữ hát đối đáp nhau, khi bên này vừa dứt thì bên kia cất lời đáp lần lượt từ màn chào hỏi, giới thiệu làm quen, kể gia cảnh, bày tỏ tình cảm đến lời chào tạm biệt sao cho thật hay, thật khéo. Nếu cả hai bên đều ứng tác giỏi thì cuộc hát như một dòng chảy, không ngắt quãng, nhất là khi “lòng” đã gặp “lòng” thì cuộc hát sẽ thâu đêm suốt sáng.
Bên cạnh đó, những bài hát đồng dao cũng được thế hệ đi trước truyền dạy cho trẻ em dân tộc Thái thường gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ. Những bài hát đồng dao thường chỉ có vần, không có ý nghĩa xuyên suốt trong một bài, nhưng lại ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, giúp con người thêm yêu thiên nhiên, yêu quê hương mình.
Bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Thái, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu về những làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc; vinh danh khen thưởng các nghệ nhân; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, duy trì hoạt động của các CLB hát then, đàn tính, hát dân ca Thái, tiêu biểu như: CLB hát dân ca Thái, bản Bong, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu; CLB hát dân ca Thái, bản Nghe Toỏng, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai; CLB hát dân ca Thái, xã Quang Huy, huyện Phù Yên...
Thành lập năm 2014, CLB hát dân ca Thái xã Quang Huy, huyện Phù Yên, có 13 thành viên. Ông Hoàng Quách Cầu, Chủ nhiệm CLB, thông tin: Không chỉ tham gia tập luyện thường xuyên, các thành viên còn sưu tầm và truyền dạy các làn điệu dân ca cho thế hệ sau. Đồng thời, xây dựng chương trình phục vụ các dịp lễ, tết, tham gia các liên hoan, hội diễn văn nghệ tại địa phương.
Không chỉ biết hát dân ca Thái, nghệ nhân ưu tú Cầm Vui, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, còn chế tác một số nhạc cụ dân tộc, như, Si slo, Pí Pặp, Pí tam lay… Ông Vui chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe ông, bà hát dân ca Thái. Hiện nay, những làn điệu dân ca Thái cổ đang dần bị mai một, vì vậy tôi sưu tầm, sáng tác và đặt lời cho trên 350 bài dân ca Thái, với mong muốn được nhiều người đón nhận.
Văn hóa dân gian dân tộc Thái phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Trong kho tàng ấy, dân ca giữ vị trí trung tâm. Dù cuộc hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng đồng bào dân tộc Thái vẫn gìn giữ và phát huy những làn điệu dân ca truyền thống, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!