LTS: Các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các biện pháp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế về nhiệm vụ này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PV: Xin ông thông tin về công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?
Ông Nguyễn Hữu Hùng: Công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh ta đã và đang có bước chuyển biến tích cực. Đến hết tháng 12/2024, tổng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai là 72%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,03%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 18,7%; tỷ số giới tính khi sinh ở mức 117 trẻ trai/100 trẻ gái (giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 26,4%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm là 28%. Có 88 xã, phường, thị trấn đã xây dựng được kế hoạch tổ chức thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
PV: Công tác tham mưu của ngành cho tỉnh để chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân số và phát triển trên địa bàn trong những năm qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Hùng: Ngành đã tham mưu cho tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức rõ, đúng đắn vai trò của dân số đối với phát triển và nguy cơ, thách thức trong công tác dân số. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; các chương trình, đề án về dân số và phát triển đến năm 2030. Đồng thời, thực hiện “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc nội dung 2, Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành còn tham mưu cho tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa công tác dân số vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và triển khai đồng bộ tại các địa bàn. Trong đó, chú trọng truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi dân số của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, của thanh niên, tuổi vị thành niên.
Trong năm 2024, ngành Y tế đã truyền thông 916 lượt trên trang fanpage, website của Sở Y tế; kênh YouTube, Zalo, tiktok của cơ quan, đơn vị y tế. Tổ chức 1.346 cuộc nói chuyện chuyên đề về dân số và phát triển cho 66.111 lượt người. Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông về dân số tại cơ sở, tư vấn tại hộ gia đình, tư vấn tại trạm y tế các xã, thị trấn, phối hợp truyền thông trong các buổi hoạt động văn hóa, thể thao; truyền thông nhóm, thảo luận nhóm. Lồng ghép tuyên truyền tại các chiến dịch truyền thông cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục/kế hoạch hóa gia đình... cho hàng trăm nghìn lượt người…
PV: Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm công tác dân số trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hữu Hùng: Ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số. Thống nhất nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi cho các nhóm đối tượng là vị thành niên, thanh niên độ tuổi từ 15 - 24 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cao tuổi, nam chủ hộ gia đình, chăm sóc trước, trong và sau sinh cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Bên cạnh đó, phát triển và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tầm soát chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh, sàng lọc tan máu bẩm sinh. Quản lý khám tư vấn sức khỏe trước kết hôn; quản lý khám sức khỏe định kỳ người cao tuổi. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số, như: Tư vấn và khám sức khỏe trước kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hoạt động chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân số và phát triển, nhất là thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu và các giải pháp trong Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!