Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Huổi Một, huyện Sông Mã, luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa và đời sống tinh thần cho nhân dân.
Xã Huổi Một có 1.590 hộ, thuộc 5 dân tộc cùng sinh sống, gồm: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Sinh Mun. Trong đó, dân tộc Mông chiếm gần 50%, sống ở các bản vùng cao: Co Mạ, Khua Họ, Nong Ke, Phá Thóng, Nà Nghiều, Huổi Pản. Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng về phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, tạo nét văn hóa đa dạng, phong phú, được cộng đồng các dân tộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Lễ hội Gầu Tào - Pó Pao của đồng bào dân tộc Mông được xã Huổi Một tổ chức dịp đầu xuân năm nay là hoạt động văn hóa đặc sắc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông. Bằng hình thức sân khấu hóa, lễ hội cầu phúc, cầu sức khỏe, bình an, hạnh phúc, lễ hội đã thu hút đông người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm. Ông Lầu Bả Vự, Trưởng bản Khua Họ, cho biết: Bản có 54 hộ đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, việc tổ chức Lễ hội Gầu Tào - Pó Pao do một gia đình đứng ra, cùng với sự giúp đỡ của anh em, họ hàng và các già làng, trưởng bản. Từ năm nay trở đi, lễ hội trở thành lễ hội của xã.
Ông Hà Văn Doan, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Một, cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Tham mưu với UBND huyện phục dựng các lễ hội truyền thống. Tổ chức các lễ hội, gắn với gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, xã tuyên truyền nhân dân thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông; vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Hiện nay, đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú ở xã Huổi Một đã bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội, văn hóa truyền thống, như: Lễ hội xên bản, xên mường, cầu mưa; các làn điệu dân ca, múa xòe; gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống; duy trì nghề dệt thổ cẩm, trò chơi dân gian, ẩm thực dân tộc; trang phục truyền thống. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. 19/19 bản có đội văn nghệ, thể thao tập luyện thường xuyên và giao lưu giữa các bản. Hằng năm, các bản đều tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút 100% các gia đình tham gia. Đến nay, xã có trên 50% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 12/19 bản văn hóa; xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới.
Bản Nậm Pù, có 150 hộ, trong đó 97% là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Những năm gần đây, bà con tích cực giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống, trong đó nổi bật là trang phục của phụ nữ. Chị Hùng Thị Hải, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản, cho biết: Hiện nay, nhiều hội viên trong chi hội duy trì thêu may trang phục dân tộc. Để quảng bá, giới thiệu cũng như giữ gìn nét đẹp trang phục phục truyền thống, chi hội đã tuyên truyền, vận động hội viên học làm trang phục dân tộc. Duy trì đội văn nghệ, ưu tiên lựa chọn những điệu múa kết hợp trang phục dân tộc để biểu diễn khi tham gia giao lưu với các bản, xã khác trong huyện.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại Huổi Một, đã giúp nhân dân nâng cao ý thức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Hiện nay, xã đang tiếp tục duy trì và thành lập các câu lạc bộ văn nghệ; giữ gìn, truyền dạy tiếng nói, chữ viết, điệu múa, nghề truyền thống; tổ chức nhiều lễ hội, giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần phát huy nét đẹp văn hóa đặc trưng, gắn kết cộng đồng, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!