Phong trào văn nghệ quần chúng tại cơ sở được dẫn dắt bởi những hạt nhân nòng cốt, họ không chỉ có năng khiếu múa hát, biên đạo và tổ chức chương trình, mà còn có khả năng tập hợp các thành viên, gắn kết thành một tập thể, luôn nhiệt tình thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
Đội văn nghệ bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông là một điển hình trong số hơn 300 đội văn nghệ quần chúng của huyện Mộc Châu. Nhiều năm qua, đội được dẫn dắt bởi những người tâm huyết, nhiệt tình với hoạt động văn nghệ, đó là đội trưởng Triệu Thị Hương, nghệ nhân Triệu Văn Mai, anh Bàn Văn Thuận. Đội được thành lập từ năm 2000, hiện nay, vẫn duy trì 20 thành viên chính thức và 30 thành viên không thường xuyên, tập hợp những người đam mê hoạt động văn nghệ và nghệ nhân am hiểu các loại hình trình diễn dân gian, luyện tập và biểu diễn các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc Dao, như: Múa chuông, dàn dựng trích đoạn cấp sắc, cầu mùa…
Hơn 20 năm đồng hành với đội văn nghệ bản Piềng Sàng, chị Triệu Thị Hương, chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên kết nối với các đội văn nghệ trong và ngoài huyện, các đơn vị tổ chức sự kiện và tích cực tham gia các sự kiện văn hóa tại địa phương, tạo cơ hội để các thành viên được giao lưu, học hỏi. Cách dàn dựng các tiết mục luôn được đổi mới, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc và giữ trang phục nguyên bản. Những năm gần đây, đội vinh dự được lựa chọn biểu diễn phục vụ du khách dịp cuối tuần tại phố đi bộ - chợ đêm Mộc Châu và tham gia các sự kiện văn hóa - du lịch của tỉnh ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh.
Còn tại Quỳnh Nhai, với mong muốn gìn giữ bản sắc dân tộc Thái, các đội văn nghệ của xóm 5, xã Mường Giàng có nhiều hoạt động tích cực. Xóm có 1 nghệ nhân nhân dân, 3 nghệ nhân ưu tú là những nhân tố tích cực trong truyền dạy văn hóa, tín ngưỡng dân tộc, nghệ thuật hát then, đàn tính và có 2 đội văn nghệ, 1 câu lạc bộ hát then - đàn tính tập hợp các thành viên ở mọi lứa tuổi, đồng hành và hỗ trợ nhau để duy trì hoạt động. Bà Điêu Thị Chia, đội trưởng đội văn nghệ xóm 5, nói: Các nghệ nhân và thành viên cao tuổi động viên, khuyến khích các thành viên khác tham gia luyện tập, biểu diễn và đồng thời là những người truyền dạy, hướng dẫn trình diễn các điệu múa truyền thống.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.300 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, tiểu khu, tổ dân phố, cơ quan, trường học... Mỗi đội có từ 10 thành viên trở lên, được thành lập trên tinh thần tự nguyện và được dẫn dắt bởi những hạt nhân tâm huyết, nhiệt tình, say mê với phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở. Nhờ đó, nhiều đội văn nghệ có hoạt động tiêu biểu và hiệu quả, như ở Thành phố có đội văn nghệ bản Tông, bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm; bản Hài, phường Chiềng An; huyện Mộc Châu có đội văn nghệ bản Áng, xã Đông Sang; bản Nà Bó, bản Vặt, bản Lùn, xã Mường Sang; huyện Vân Hồ có đội văn nghệ bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa, bản Hua Tạt, xã Lóng Luông... Hoạt động văn hóa, văn nghệ đã trở thành món ăn tinh thần, gắn kết cộng đồng và góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Mỗi năm Sở tổ chức có từ 6-7 lớp tập huấn hạt nhân văn nghệ cơ sở, tập huấn đội văn nghệ mẫu và mời nghệ nhân ưu tú truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc. Các huyện, thành phố duy trì việc cử cán bộ văn hóa về xã, bản hướng dẫn biên đạo múa, tổ chức chương trình biểu diễn. Qua đó, giúp xây dựng đội ngũ hạt nhân văn nghệ tích cực, có kỹ năng cơ bản, là “đầu tàu” dẫn dắt và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, gắn kết cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, khuyến khích các hoạt động biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc để phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa bản địa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!