Sơn La hiện có 12 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt. Bên cạnh việc bảo tồn các lễ hội truyền thống, việc gìn giữ và phát huy giá trị môn thể thao, trò chơi dân gian cũng được các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, góp phần quảng bá nét đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương.
Đồng bào dân tộc Thái Sơn La có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, trong đó, có trò chơi tung còn. Quả còn được người phụ nữ Thái khéo léo khâu bằng nhiều múi vải màu sắc, bên trong nhồi hạt thóc, bông hoặc cát, có tua rua để định hướng khi bay. Sân tung còn là bãi đất rộng, ở giữa dựng cột làm bằng một cây vầu cao, bên trên có gắn khung hình tròn. Người chơi tung còn thật cao, cố gắng trúng vào hồng tâm với nhiều mong ước tốt lành trong năm mới.
Tham gia các hoạt động tại Lễ hội Mùa hoa ban thành phố Sơn La năm 2023, chị Phạm Thu Giang, du khách đến từ thành phố Hà Nội, cho hay: Cảm xúc khi tung còn trúng hồng tâm thật khó diễn tả. Không chỉ mình vui mà tất cả mọi người đều phấn khởi. Đây là lần đầu tiên tôi đến Sơn La, được tham gia chơi các trò chơi dân gian cùng bà con nơi đây, đã cho tôi những trải nghiệm thú vị, khó quên.
Tại Lễ hội mừng cơm mới ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, được tổ chức tháng 9 vừa qua, các trò chơi dân gian được xã khôi phục và đưa vào phần hội ngay sau nghi lễ cúng cơm mới ở nhà thờ tổ Đon Hó, bản Mường Chiến. Không có nhà thi đấu hoành tráng, không có khán đài, trên những khu đất trống, hay dưới những thửa ruộng, các trò chơi dân gian được tổ chức với không khí sôi nổi.
Trò chơi Ngu Kin Khiết (còn gọi là rồng rắn lên mây) được tái hiện trong lễ hội mừng cơm mới với sự tham gia của các đội thi gồm cả nam và nữ đến từ các bản trong xã. Trò chơi đơn giản nhưng mang sự hồi hộp cho người xem bởi những pha đuổi nhau, không khí vui vẻ, sảng khoái cho những người tham gia.
Cùng với đó, những cô gái, chàng trai trong trang phục dân tộc, đá bóng bằng trái bưởi cũng đã thu hút nhiều khán giả đến xem, cổ vũ.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, cho biết: Lễ hội năm nay được chúng tôi tổ chức trùng với dịp nghỉ lễ mùng 2/9. Để tạo điểm nhấn, đổi mới so với các lễ hội trước đây, chúng tôi đã tổ chức hội thi Hoàng tử trâu, khôi phục các trò chơi dân gian với mục đích gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; xây dựng mỗi trò chơi dân gian là một sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ khách du lịch, góp phần quảng bá mảnh đất, con người, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc xã Ngọc Chiến đến với du khách.
Nếu như tung còn, đi cà kheo, tó mák lẹ, thi bắt cá phổ biến trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái, thì thi giã bánh dày, đánh tu lu, đẩy gậy thường được tổ chức trong ngày hội văn hóa dân tộc Mông. Trong đó, đánh tu lu là trò chơi dân gian đặc sắc thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Mông. Trước hết, người chơi cần chuẩn bị con quay và dây quay. Con quay thường được đẽo, gọt bằng những loại gỗ cứng, như gỗ nghiến, gỗ lim. Còn dây quay thường được se bằng sợi lanh. Khi đánh quay độ khó tăng dần theo độ xa, đánh trúng quay của người khác mà con quay của mình vẫn xoay là thắng. Đơn giản vậy nhưng đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe và kỹ thuật điêu luyện, bởi vậy khi chơi, khi xem ai cũng thích thú với những con quay, với từng đường đánh dứt khoát, chắc nịch và không ngừng thán phục, trầm trồ với những cú đánh hay, chính xác.
Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khuyến khích các huyện, thành phố khai thác và duy trì các trò diễn, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao truyền thống của địa phương trong các lễ hội đầu xuân, lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao, hoạt động văn hóa cộng đồng; hằng năm tỉnh đều tổ chức các giải thể thao thi đấu các môn thể thao truyền thống của các dân tộc, như: Đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co...
Các huyện, thành phố căn cứ vào thế mạnh từng vùng, từng dân tộc để xây dựng hình thức tổ chức các trò chơi dân gian phù hợp; sưu tầm và khôi phục một số trò chơi dân gian để làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa của địa phương.
Với tính chất dân gian được truyền tay, truyền miệng, những trò chơi không tránh khỏi sự mai một trong xã hội hiện đại. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian là việc làm thiết thực và cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, các địa phương nên lựa chọn những trò chơi mang tính lịch sử, đậm chất văn hóa, có thẩm mỹ và rèn luyện sức khỏe, cần loại bỏ những trò chơi không an toàn, có tính bạo lực.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!