Đưa văn hóa dân tộc lên sân khấu chuyên nghiệp

Thông qua ngôn ngữ biểu hiện đặc biệt của nghệ thuật múa, các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La đã khéo léo chắt lọc tinh hoa trong văn hóa các dân tộc cải biên thành những tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp.

Giọng nữ

Nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật

12 dân tộc cùng chung sống lâu đời ở Sơn La đã tạo nên bức tranh văn hóa vô cùng đặc sắc, phong phú với những lễ hội truyền thống, tập quán, tín ngưỡng đa dạng, trang phục độc đáo cùng những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt phải kể đến các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc là vốn văn hóa làm giàu đẹp cho đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Đó chính là chất liệu quý giá tạo nên nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ, biên đạo múa trong quá trình sáng tạo, cải biên văn hóa dân gian, đưa vào những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp.

Một chương trình biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh.

Mỗi tác phẩm múa không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc mà còn mang những câu chuyện về ý nghĩa nhân văn, về tính thời sự và tâm huyết của những nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật. Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thế Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, cho biết: Chất liệu dân gian dân tộc được coi là linh hồn trong các tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp của nhà hát, tạo nên nét đặc trưng riêng, là thế mạnh của đơn vị mỗi khi tham gia các chương trình, hội diễn, góp phần lưu giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa các dân tộc.

Các đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo đã dành nhiều tâm sức cho các chuyến thực địa cơ sở ở bản làng đồng bào dân tộc để nghiên cứu, sưu tầm dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống dân gian đặc sắc, các lễ hội đặc trưng, tạo chất liệu nền cho sáng tạo các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Chất dân tộc ở vùng cao đặc trưng của Sơn La luôn được thấy rõ, biểu hiện trong từng tác phẩm nghệ thuật, nhất là những tác phẩm múa được biên đạo, dàn dựng công phu.

Buổi luyện tập của các diễn viên múa.

Nghệ sĩ ưu tú, biên đạo múa Lò Văn Thọ, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, chia sẻ: Các tác phẩm múa mang âm hưởng dân tộc không chỉ đơn thuần khai thác, cải biên từ những điệu dân vũ truyền thống mà còn khai thác, chọn lọc nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao. Thông qua việc chắt lọc tinh hoa trong văn hóa, tín ngưỡng, người biên đạo phải lên ý tưởng dàn dựng tác phẩm múa mang chủ đề, câu chuyện. Để từ đó, tác phẩm múa không chỉ để biểu diễn mà còn mang thông điệp ý nghĩa để truyền tải đến người xem.

Bảo tồn văn hóa dân tộc

Mỗi tác phẩm múa ra đời chứa đựng rất nhiều tâm huyết, sự nỗ lực ngày đêm trong nghiên cứu, sáng tạo, dàn dựng, kết nối ý tưởng của những người làm nghệ thuật lâu năm tại nhà hát. Một chỉnh thể tác phẩm được hình thành mang hồn cốt, câu chuyện mà người biên đạo gửi gắm trong đó, khai thác tối ưu và phô diễn trọn vẹn vẻ đẹp của chất liệu dân gian truyền thống để qua đó, góp thêm tiếng nói của nghệ thuật để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Rất nhiều tác phẩm múa được sáng tạo, dàn dựng theo phương châm ấy đã gây tiếng vang tại các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, làm nên tên tuổi của Nhà hát. 

Các biên đạo múa của Nhà hát trao đổi chuyên môn.

Trong đó, phải kể để tác phẩm “Giữa dòng Đà giang” của biên đạo múa Trần Minh Hải, đoạt huy chương vàng, tác phẩm “Vui đón mùa mới” của Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trung Hưng, đoạt giải Nhì tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc (đợt 1) năm 2021. Hai tác phẩm này được lấy ý tưởng từ nét tiêu biểu trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của đồng bào Thái ở Sơn La. Hình ảnh đôi vợ chồng trên con thuyền độc mộc xuôi sông Đà, hay cảnh các thiếu nữ Thái rộn ràng trong ngày mùa vùng cao được khắc họa bằng hình tượng nghệ thuật và biểu hiện bằng ngôn ngữ múa cùng âm nhạc đặc sắc đã mang đến cho người xem những ấn tượng sâu sắc.

Tác phẩm “Khèn ngược” của biên đạo trẻ Hoàng Thị Nguyệt, đoạt giải Nhì thi Tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2019 cũng là tác phẩm múa tiêu biểu mang đậm văn hóa dân tộc Mông. Tác phẩm không chỉ khai thác nét đặc sắc trong điệu múa khèn, thổi khèn, nhạc khèn độc đáo của đồng bào Mông, “Khèn ngược” còn là câu chuyện mang cảm động về cuộc đời, số phận của người phụ nữ vùng cao cam chịu, hy sinh. Sự biểu hiện xuất sắc trong từng động tác, nét mặt, cảm xúc giằng xé, khổ đau, vui buồn của diễn viên múa kết hợp với ánh sáng, đạo cụ đặc trưng, âm nhạc đặc sắc giúp “Khèn ngược” có thể chạm đến tầng sâu cảm xúc của người xem. 

Đội ngũ biên đạo múa của đơn vị thường xuyên sáng tác mới các tác phẩm lấy chất liệu nền là văn hóa hóa dân tộc. Trong đó, phải kể đến những tác phẩm mới, như: “Đêm chợ tình” lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian dân tộc Mông, tác phẩm “Vũ điệu bản em” chất liệu dân tộc Khơ Mú của biên đạo múa Lò Văn Thọ; tác phẩm “Lung linh sắc xuân” của biên đạo múa Trần Minh Hải, chất liệu dân tộc Thái; tác phẩm “Hoa đào hội xuân” của biên đạo múa Nguyễn Trung Hưng, chất liệu dân tộc Dao.

Đặc biệt phải kể đến chương trình nghệ thuật “Tổ chim bên sườn núi” đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 1). Chương trình để lại ấn tượng sâu sắc tại liên hoan với màn biểu diễn nghệ thuật tổng hợp ca, múa, nhạc, kịch, khắc họa bằng ngôn ngữ nghệ thuật về cuộc sống của đồng bào Mông vùng cao.

Các nữ diễn viên luyện tập tác phẩm múa

Biên đạo múa Trần Minh Hải cho hay: Để có một tác phẩm múa chạm đến cảm xúc người xem, người biên đạo không chỉ phải giỏi về khả năng dàn dựng mà còn phải am hiểu sâu sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc. Từ đó, biết chắt lọc thành ý tưởng hay, sáng tạo tác phẩm mang câu chuyện về cuộc đời, tính thời sự, nhân văn hoặc mong muốn truyền tải thông điệp về bảo tồn văn hóa được gửi gắm trong đó.

Ngoài những tác phẩm được đầu tư bài bản tham dự liên hoan nghệ thuật toàn quốc, những tác phẩm múa biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị hay tại cơ sở cũng đều được lấy ý tưởng từ chất liệu dân gian dân tộc. Tùy từng sự kiện, địa điểm biểu diễn mà mỗi tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng với ý tưởng phù hợp, đảm bảo tính thẩm mỹ, nội dung sâu sắc, thông điệp ý nghĩa.

Mỗi năm, Nhà hát thực hiện chỉnh lý nâng cao trên 60 tác phẩm ca, múa, nhạc và các thể loại phức hợp để biên tập trong các chương trình nghệ thuật chuyên đề và bổ sung vào các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh, của cả nước và quốc tế.

Là một nghệ sĩ trẻ của Nhà hát, diễn viên múa Hà Kim Oanh luôn nỗ lực học hỏi, nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật, cùng các chị em diễn viên thể hiện trọn vẹn cảm xúc trong từng tác phẩm múa. Chị Oanh chia sẻ: Những tác phẩm múa mang đậm bản sắc dân tộc luôn mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Chúng tôi phải hiểu được ý nghĩa, tinh thần của tác phẩm để biểu diễn, thể hiện động tác, nét mặt, cảm xúc phù hợp, đúng với ý tưởng của biên đạo. Từ đó cũng giúp diễn viên múa chúng tôi hiểu thêm về văn hóa của đồng bào dân tộc và yêu thích, muốn thể hiện tốt nhất có thể để giới thiệu đến người xem về văn hóa đặc sắc của quê hương.

Nghệ nhân Triệu Văn Mai, tổ dân phố Piềng Sàng, phường Vân Sơn, thị xã Mộc Châu từng được Nhà hát mời về truyền dạy các nghệ sĩ của đơn vị theo hướng truyền vai, truyền khẩu các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của dân tộc Dao. Ông Mai cho biết: Được xem các chương trình biểu diễn của Nhà hát, nhất là những tiết mục cải biên về hát dân ca, lễ cấp sắc của người Dao Tiền, không chỉ tôi mà bà con người Dao đều rất xúc động. Mỗi lần được chứng kiến những màn biểu diễn ấy, chúng tôi thêm tự hào về văn hóa của dân tộc mình và cảm thấy biết ơn các nghệ sĩ của nhà hát đã giúp làm đẹp thêm, quảng bá sâu rộng hơn về văn hóa dân tộc Dao.

Tác phẩm biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc Dao.

Với niềm say mê, tâm huyết và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, các nghệ sĩ đã và đang giúp văn hoá các dân tộc được tôn vinh, để nét đẹp dân gian truyền thống được thăng hoa cùng nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định văn hoá truyền thống, nhất là các loại hình biểu diễn dân gian luôn có sức sống trường tồn qua thời gian, được các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ theo cách riêng để văn hoá nguồn cội được duy trì, phát triển cùng dòng chảy đương đại.

Thanh Đào, Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới