Đồng bào Thái có câu “Khửn song phái/cái song đay", nghĩa là “lên hai bên, bắc hai thang”. Đây là quan niệm phản ánh sâu sắc thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của đồng bào Thái đen ở Tây Bắc. Chiếc cầu thang không chỉ gắn liền với đời sống của bà con, mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Kết cấu nhà sàn cổ của đồng bào Thái ở Sơn La vốn đều có 2 cầu thang bắc ở 2 bên đầu hồi nhà sàn. Cầu thang bên phải gọi là “tang quản” là nơi đi lại của những người đàn ông trong nhà. Còn cầu thang bên trái là “tang chan”, là nơi dành cho phụ nữ lên xuống, nơi các bà, các chị dành thời gian rảnh rỗi để ngồi chơi, thêu thùa.
Trò chuyện với ông Hoàng Văn Chính, phường Chiềng Cơi, Thành phố, ông cho biết: Nhà sàn là kiểu thiết kế nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, với ý nghĩa giúp người dân có thể thích nghi với cuộc sống nơi núi rừng và đồng ruộng, tránh được thú dữ, mưa lũ. Cầu thang giúp tách biệt sàn nhà, nơi sinh sống của cả gia đình với mặt đất. Hai chiếc cầu thang có ý nghĩa quan trọng trong quan niệm tâm linh và tín ngưỡng của dân tộc. Cầu thang phải dựng nối với hiên nhà, tránh nơi thời cúng và nơi ngủ nghỉ của gia đình. Bậc thang luôn là số lẻ, 7 bậc, 9 bậc hoặc 11 bậc, số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, may mắn, thể hiện ước muốn về sự sinh sôi và thuận lợi trong cuộc sống thường ngày.
Với mỗi người con dân tộc Thái, chiếc cầu thang không đơn thuần chỉ là những những bậc lên xuống, mà còn gần gũi, thân thương, là nơi chứng kiến bao bước chân trưởng thành cả trong gian khó lẫn khi đủ đầy. Trong kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ của đồng bào Thái, chiếc cầu thang là hình ảnh quen thuộc với nhiều ý nghĩa. Đơn giản như lên xuống cầu thang cũng trở thành một kinh nghiệm quý báu “Lên thang xem bậc/ Đẵn cây xem hướng cành”, hay một chuẩn mực giáo dục đạo đức của người con gái “Bậc thang cùng đừng ngồi/Ghế bố chồng chớ dựa”, hoặc chỉ với một câu “Không lúc nào xuống khỏi cầu thang” cũng được dùng để chế giễu thói lười lao động, sống dựa dẫm vào người khác. Cầu thang cũng xuất hiện trong những câu hát đối đáp giao duyên, hát xin lên thang trong những đêm trăng Hạn Khuống (một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái), trở thành điểm ước hẹn của đôi lứa thương nhau. Hình ảnh chiếc cầu thang cũng chẳng thể thiếu trong những bài hát cúng nghi lễ, trong bài khấn chân cầu thang vào nhà mới, bài hát cúng tiễn đưa người đã khuất về trời...
Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả, người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân tộc Thái nói về ý nghĩa của chiếc cầu thang: Từ xưa đến nay, mỗi nhà dù thiếu thốn hay khá giả, làm nhà to hay nhà nhỏ thì chiếc cầu thang vẫn phải chỉn chu, phải được làm bằng gỗ tốt. Nhà có điều kiện thì làm cầu thang hộp, nhà ít điều kiện hơn thì bắc thang đơn giản không cần tay vịn, dù tấm gỗ có không đều, chiếc thang có nghiêng nghiêng thì cũng phải đủ chắc chắn. Trong kho tàng tri thức của dân tộc Thái, nhà sàn và chiếc cầu thang là hình ảnh tiêu biểu không chỉ mang tính hiện thực về kiến trúc nhà ở truyền thống, mà còn mang tính biểu tượng trong nền văn hóa lâu đời của đồng bào.
Ngày nay, nhiều gia đình dân tộc Thái không còn giữ nguyên kiểu kiến trúc nhà sàn cổ với hai cầu thang, mà đã có sự thay đổi trong thiết kế, chỉ giữ lại một cầu thang duy nhất hoặc sử dụng nguyên vật liệu khac thay thế cầu thang gỗ. Sự thay đổi đó nhằm thích ứng với lối sống hiện đại, tiện lợi hơn trong sinh hoạt thường ngày và tạo mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình, cộng đồng. Tuy vậy, vẫn có nhiều công trình nhà sàn hiện đại mang dáng dấp kiến trúc truyền thống như một sự nhắc nhớ về quá khứ và nguồn cội dân tộc. Cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những công trình nhà văn hóa của các bản dân tộc Thái xây dựng bằng bê tông cốt thép nhưng vẫn mô phỏng nguyên mẫu kiến trúc nhà sàn cổ với hai cầu thang hai bên, với khau cút trên mái nhà. Điều đó càng thêm khẳng định rằng, chiếc cầu thang và nhà sàn dù có đổi mới hay phá cách thì vẫn còn nguyên giá trị văn hóa ngàn đời được lưu giữ và trao truyền cho các thế hệ sau này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!