Lịch sử sinh sống ngàn đời của đồng bào dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc đã hình thành nền văn hóa vật chất cổ truyền đặc trưng là “Ăn cơm nếp/Uống rượu cần/Mặc xửa cỏm/Ở nhà sàn”. Trong đó, nhà sàn được biết đến là một công trình mang kiến trúc độc đáo, được đúc kết từ kinh nghiệm, tập quán, tín ngưỡng truyền đời của dân tộc Thái. Ngôi nhà sàn hòa trong thiên nhiên, núi đồi đã trở thành biểu tượng đặc sắc khi nhắc đến văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Nhà sàn truyền thống dân tộc Thái.
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái là công trình tổng hợp giữa kiến trúc xây dựng, nghệ thuật trang trí, thiết kế hài hòa với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu miền núi và mang dấu ấn văn hóa đặc trưng. Tập quán sinh sống giữa những vùng thung lũng, gắn với ruộng đồng và rừng núi đã hình thành nên lối kiến trúc độc đáo, phù hợp với điều kiện thực tế. Sàn cao giúp ngôi nhà tránh được ẩm thấp, thú dữ; kết cấu nhà chắc chắn giúp công trình trụ vững giữa thời tiết khắc nghiệt vùng cao, tồn tại đến vài chục năm và được bao thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ đến tận hôm nay. Nhà sàn trước đây được dựng lên từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên. Gỗ làm nhà phải chọn loại gỗ không mối mọt, mái phải được lợp bằng loại cỏ gianh già cắt vào cuối mùa thu phơi khô, đan thành từng phên, buộc bằng lạt giang bền chắc... Dưới đôi bàn tay tài hoa, khả năng tính toán chính xác và sự hợp sức của dân bản, những ngôi nhà sàn cứ thế lần lượt dựng lên dưới chân núi, ven thung lũng, hay cạnh những cánh đồng trải rộng, hình thành nên những cộng đồng làng bản có chung một nền văn hóa.
Đồng bào dân tộc Thái quan niệm, con số may mắn phải là số lẻ nên việc dựng nhà cũng phải tuân theo quan niệm ấy. Nhà phải là 3 gian 2 chái, hoặc 5 gian 2 chái, tổng số cửa sổ và cửa chính cũng phải là con số lẻ. Hai cầu thang ở hai đầu ngôi nhà cũng là bậc lẻ 9 hoặc 11 bậc thang, trong đó, “tang chan” là cầu thang bên phải dành cho phụ nữ, tang quản là cầu thang bên trái dành cho nam giới. Ngôi nhà được chia làm 3 tầng, tầng thứ nhất là gầm sàn (lang) dùng để chất củi, để nông cụ, tầng thứ hai là mặt sàn (hạn hươn) là nơi sinh hoạt của gia đình, tầng thứ 3 là gác trên (khứ hươn) là nơi cất đồ vật quý. Vậy nên, đồng bào dân tộc Thái mới có câu thành ngữ “Hươn mi hạn, quản mi xấu” (nhà có gác, sàn có cột).
Trên thực tế, mỗi ngành dân tộc Thái, hay mỗi vùng miền sẽ có thói quen dựng nhà mang nét riêng, nhưng về tổng thể kiến trúc, kết cấu ngôi nhà đều như nhau. Nếu nhà sàn của dân tộc Thái trắng có 4 mái phẳng thì nhà của dân tộc Thái đen lại có mái khum khum hình mai rùa và có khau cút ở hai đầu mái nhà. Những người già trong trong bản giải thích rằng, mái nhà hình mai rùa gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa của đồng bào dân tộc Thái được thần rùa “Pua tấu” dạy cách làm nhà theo hình rùa đứng để tránh được lũ lụt và thú dữ. Còn khau cút là điểm nhấn đặc trưng vừa để trang trí vừa là vật thiêng, gắn với tín ngưỡng của dân tộc nên không thể thiếu khi dựng nhà.
Trong suốt dặm dài lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Thái, ngôi nhà sàn đã trở thành vật thể trung tâm khơi nguồn cho nền văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc của một cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời vùng Tây Bắc. Nhà sàn là nơi những câu chuyện kể bản mường “Quắm tố mương” được kể, chuyện “Xống chụ xon xao” ra đời và cả những câu “khắp”, điệu xòe cũng được hình thành từ đó. Là nơi bao gia đình, dòng họ, bao thế hệ nối tiếp nhau giữ lửa để văn hóa dân tộc được trường tồn cùng thời gian.
Ngày nay, nhà sàn tại các bản làng có nhiều thay đổi, thiết kế hiện đại, vật liệu đa dạng hơn. Quan niệm về cách dựng nhà, sắp xếp không gian sinh hoạt cũng không còn nhất nhất phải theo lệ cũ để phù hợp với cuộc sống mới. Dẫu vậy, lịch sử và văn hóa ngàn đời mà bao thế hệ cha ông trao truyền gắn liền với nhà sàn thì vẫn còn nguyên giá trị. Nếp nhà sàn dù truyền thống hay hiện đại vẫn luôn là nơi để trở về, để nhớ về cội nguồn của dân tộc.
Thảo Nguyên
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!