Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, gắn bó với đất và người Nam Bộ; được phát triển từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế pha trộn với các làn điệu dân ca, hò vè của vùng đất Nam Bộ. Năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Đờn ca tài tử hình thành và phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam nhưng Bạc Liêu vẫn được coi là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ đầu thế kỷ XX, đờn ca tài tử đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng ở Bạc Liêu với nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948), người được tôn là hậu Tổ khi có công canh tân, khôi phục nhiều bản ca cổ, cùng người học trò ưu tú Cao Văn Lầu (1890 - 1976) người được biết đến với bản Dạ cổ hoài lang bất hủ.
Tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, ông Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1890 tại xóm Cây Cui, thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là tỉnh Long An). Năm lên 4 tuổi, ông theo cha mẹ đến Bạc Liêu và sống trọn đời ở đây. Năm 1915, ông Cao Văn Lầu cưới bà Trần Thị Tấn, một người con gái ngoan hiền ở Điền Tư Ô. Vợ chồng chung sống với nhau 3 năm nhưng không có con nối dõi, bị ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến “Tam niên vô tử bất thành thê” nên ông phải chia tay với vợ. Chính từ niềm thương nhớ khi chia tay với người vợ hiền thục đã thôi thúc ông viết nên bản nhạc lòng mà khi ra đời nó đã trở thành một tuyệt tác bất hủ, đó là bản Dạ cổ hoài lang: “Từ là từ phu tướng; Bảo kiếm sắc phán lên đàng; Vào ra luống trông tin nhạn; Năm canh mơ màng; Em luống trông tin chàng; Ôi! Gan vàng thêm đau...”
Chị Lê Hạnh Thư, hướng dẫn viên Khu lưu niệm, chia sẻ: Bản Dạ cổ hoài lang là một trong những bài hát nổi tiếng và phổ biến nhất của Đờn ca tài tử. Bài hát này được cộng đồng tiếp nhận, phát triển từ nhịp 2, 4, 16, 32 và đến nhịp 64 là đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ca vọng cổ vì khi đó câu dài và khó hát. Bản Dạ cổ hoài lang ban đầu được nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết ở nhịp 2 là 20 câu, sau đó các nhà soạn giả rút lại thành 6 câu vọng cổ, có sửa một số chữ và thêm từ luyến láy. Dạ cổ hoài lang được coi là tiền thân của ca vọng cổ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được coi là ông tổ của ca vọng cổ.
Để tri ân người nhạc sĩ tài hoa, đồng thời góp phần bảo vệ di sản đờn ca tài tử, năm 2008, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu). Khu lưu niệm được xây dựng năm 2008, nằm trong khuôn viên ngày xưa của gia đình nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Theo Ban quản lý Khu lưu niệm, mùa cao điểm đến thăm là vào dịp hè, trung bình khoảng 700 lượt khách/ngày hầu hết là khách du lịch. Đến với Khu lưu niệm, chúng tôi được thăm Đài nguyệt cầm với biểu tượng ống tre tượng trưng cho cây đàn kìm - một nhạc cụ không thể thiếu trong nghệ thuật đờn ca tài tử; xung quanh Đài là 20 bài tổ (bài gốc) cùng bức tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu đang chơi đàn tranh, phía sau là bản Dạ cổ hoài lang được tạc trên đá. Tiếp đó là vườn nhạc cụ với các loại đàn tiêu biểu của nghệ thuật đờn ca tài tử như đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, đàn guitar phím lõm...
Chị Lê Hạnh Thư, hướng dẫn viên Khu lưu niệm, cho biết thêm: Ngày nay, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng”, “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 72 bài nhạc cổ và 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm: 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly). Bằng điệu đờn, tiếng hát, loại hình sinh hoạt văn hóa này gắn kết cộng đồng thông qua thực hành và sáng tạo nghệ thuật, trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam, nên vừa có tính bình dân, vừa mang tính bác học.
Nối tiếp hành trình tham quan, chúng tôi được các nghệ sĩ ở Khu lưu niệm trình bày bài Dạ cổ hoài lang và các bài ca vọng cổ nổi tiếng. Với việc sử dụng nhiều nhạc cụ trong Đờn ca tài tử như đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo, tiêu... cùng giọng ca mượt mà, điêu luyện của các nghệ sĩ qua cách ca ngâm, ngân, luyến... Qua các bản nhạc, các nghệ sĩ đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong chúng tôi và các du khách tham quan.
Anh Trần Danh Trường, phóng viên Báo Đồng Nai, chia sẻ: Tôi được nghe đờn ca tài tử nhiều lần nhưng khi nghe trực tiếp tại đây có một cảm giác rất đặc biệt, được cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật này. Các nghệ sĩ ở Khu lưu niệm đã để lại cho tôi cảm xúc và ấn tượng về ca vọng cổ và vẻ đẹp về vùng đất phương Nam nói chung và con người Bạc Liêu nói riêng.
Một buổi chiều ở Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại thành phố Bạc Liêu đã để lại dấu ấn sâu đậm trong chúng tôi và các du khách về một nhạc sĩ tài ba và loại hình nghệ thuật hấp dẫn và sáng tạo, góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!