Tôi có người bạn xa Sơn La nhiều năm rồi, lăn lội thị thành kể cũng đã đủ phai nhạt nhiều thứ. Thế nhưng cứ vào mùa đông rét ngọt khi trái nhót đã xanh mượt gọi mời những nhớ nhung núi đồi lại rười rượi nghĩ về Sơn La, lại điện xanh đỏ nhắc nhở vài người bạn cũ. Gửi cho chẩm chéo đi, nhót xanh bắp cải đi.
Chẩm chéo, nhót xanh. Ảnh: Internet.
Đến Hà Nội rau thơm đã tái, nhót xanh bớt mọng mà vẫn sẵn bày tiệc rượu gọi vài người cùng quê và cả những người khác quê đến cùng tụ vui. Như thể đó là món ăn hàng năm gợi nhắc anh là người Tây Bắc. Như thể đó là thứ hương vị để người ta đi xa vẫn không lạc mất hồn đất đã nuôi anh lớn lên và để những người bạn xa cách vời vợi vẫn đủ nhận ra nhau, ngồi lại bên nhau: Chẩm chéo nhót xanh đi !
Món ăn nào cay đắng chua chát đến thế ?
Tôi đồ rằng đó là món ăn giản dị mà có hương vị mạnh mẽ nhất trong những món ăn tôi từng biết mà người Thái tạo nên. Nóng của gừng, cay của ớt, mặn của muối, nồng của tỏi, hắc của thứ hạt tiêu rừng - mắc khén, thơm của vị lá chanh, mùi tàu ... Bao nhiêu vị nhuyễn vào nhau thành một thứ nước chấm gay gắt để dung hòa cái chát chua bức bối của trái nhót con độ xanh non đã bị cưỡng hái cuộn tròn trong lá bắp cải giòn tan cùng chút hăng xè của thân tỏi, rau mùi. Bởi thế hình như nó chẳng thể giành cho ai thanh cảnh, ưa hương vị thanh tao vốn ngại khó trên con đường trăm vị đắng cay. Nhưng nếu đã từng nếm thì khi đi xa chẳng thể nào quên. Đã từng ăn có thể nghiền. Như người đến với hạnh phúc từ bao cay đắng ghềnh thác. Sao nỡ lòng quên.
Hương vị của núi, yêu mạnh nghĩa sâu ?
Nhiều người nghĩ người dân tộc Thái đơn giản lắm, với họ có thể ban đầu chẩm chéo nhót xanh món ăn đủ mạnh để người ta chống lại cái rét mướt của mùa đông hay chỉ là cách tìm niềm vui từ những thức ăn tầm thường từ mảnh vườn xoàng xĩnh ở bản làng chen giữa những thung lũng đá vôi. Nhưng tìm hiểu kĩ mới thấy họ hẳn có khẩu vị thực kì tài và văn hóa ẩm thực của họ rất sâu sắc. Họ không chấp nhận một cách ăn đơn giản chỉ để qua cơn đói. Mỗi món ăn của họ là sự hòa trộn của tài và tình mà người nấu thật kì công gia giảm pha trộn. Tôi nghĩ người đàn bà Thái hẳn tình lắm. Giữa thiếu thốn họ có thể làm ra đồ ăn ngon để chiều chuộng khẩu vị của những người đàn ông sẵn lòng yêu họ đến khi “sông Đà cạn bằng chiếc đũa”. Nếu không sao người ta biết đem băm nhỏ thứ thịt vụn, đầu thừa đuôi thẹo, bạc nhạc đôi khi xót lại ở chợ chiều đem trộn với rau cải, mắc hén.... xả ớt thành món Nhứa pỉnh - thịt nướng - thơm lừng. Nếu không, sao gạo trắng có thể hòa với lá rừng thành xôi ngũ sắc lung linh. Nếu không, sao có thể đem trộn những hương, vị đánh nhau chan chát của gừng tỏi của ớt, mắc hén... tan vào nhau thành thứ chéo mạnh mẽ để giúp người thương tan cơn say sau lần quá chén ham vui. Và rồi ăn một lần thì mến thương đời đời kiếp kiếp, cùng nhau tận hưởng dư ba của tình sâu nghĩa mạnh như vị cay nồng lưu luyến mãi nơi cuống họng.
Món ăn không dành cho một người !
Đã có lần vì thèm khát tôi đi chợ rồi một mình bày biện mọi thứ: một đĩa nhót xanh, bát chẩm chéo, rổ rau thơm. Thế mà đi ra đi vào chỉ đủ sức ăn được vài ba miếng. Tôi trở nên vô duyên giữa một trưa mùa đông. Hoá ra chẩm chéo không giành cho một người. Vị gắt mạnh hăng mũi của nó không đủ để bạn quên đi nỗi cô đơn. Nó là món ăn giành cho nhiều người, cho bạn bè. Một mình ăn không vui, không ngon và cũng không thể chịu đựng được. Khả năng dung hòa nhiều vị khiến nó là món ăn thuộc về mọi người. Một mâm chéo bày ra giản dị, tềnh toàng cũng được và có thể ở bất cứ đâu, miễn nơi đông người. Sạp hàng rau ven chợ. Ven mép đường mòn vào bản; sân nhà ai đó, cho ai đó: Những người xa bản đi chợ. Những người cùng bản đi ruộng nương trở về. Những người bạn lâu ngày gặp và cho cả những ai đi ngang qua dù chẳng quen nhau chỉ cần đủ thân thương trìu mến hay chỉ vì thèm một chút quây quần giữa rét mướt mà nán lại. Ta mời nhau ăn một miếng chéo nồng cay, gay gắt vị núi vị rừng. Để cùng nhau xoa xuýt, cùng nhau rôm rả góp vài chuyện vui, cùng chịu đựng và dìu nhau đi qua trắc trở. Như ớt bớt cay, tỏi bới nồng, gừng bớt nóng trong bát chéo…, nơi mâm chéo mình quên mình là người lạ, người quên những tị hiềm, kẻ gạt lại những nhọc nhằn vất vả nương rẫy. Có khi vừa mấy hôm trước cãi nhau quang quác giờ lại ngồi lại cùng nhau hỉ hả, vui cười.
Đến Tây Bắc, bạn hãy ăn một miếng chéo. Hãy thử một lần can đảm băng qua vị cay sốc, gay gắt, bốc nóng của ghềnh thác miệng lưỡi để đến với niềm vui ấm áp còn lại mãi như vị ngọt của nỗi nhớ nhung lâu lâu một đợt rét lại nhắc ta trở về.
Bích Hạnh
(Trường THPT Chuyên Sơn La)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!