Bâng khuâng nhớ Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán của người Việt được tiến hành vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.

Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Ở Việt Nam, gọi là "Tết Đoan Ngọ" chính vì Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 Âm lịch (Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h). Dân gian còn gọi là “Tết giết sâu bọ” bởi quan niệm: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.

Hàng năm cứ vào ngày 5/5 âm lịch, người Việt lại nô nức chuẩn bị sắm lễ cho ngày Tết Đoan Ngọ. Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau. Nhưng cơ bản mâm cúng tết Đoan Ngọ gồm có: Hương, hoa, vàng mã, rượu nếp, các loại trái cây như: mận, vải, hồng xiêm, chuối, dưa hấu..., Bánh ú tro, thịt vịt (Xem công thức làm các món vịt cho ngày tết Đoan Ngọ tại đây), xôi chè…

Rượu nếp, mậm, bánh ú tro là những món ăn không thể thiếu của ngày Tết Đoan Ngọ.

Trong ngày Tết Đoan Ngọ có tục lưu truyền đến nay là sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc… để giết sâu bọ. Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay, móng chân, đeo chỉ ngũ sắc.

Với người lớn: sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết..

Giữa trưa ngày 5/5 thì làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá mồng năm. Tục hái thuốc mồng 5 cũng bắt đầu từ giờ Ngọ, đó là giờ có Dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi...

Tục cúng Tết Đoan Ngọ của ông cha lưu truyền từ ngàn xưa, tùy theo vùng miền, từng thời kỳ mà có đôi chút thay đổi. Tuy nhiên, điều quan trọng là tâm niệm của mỗi người luôn hướng đến những điều tốt lành, ước mong sức khỏe và thuận lợi cho gia đình./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới