“Bến đợi” - Đong đầy cảm xúc của nhà thơ Đinh Tân

Là hội viên của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, nhà thơ không chuyên Đinh Tân - người dân tộc Mường đã sáng tác những bài thơ chan chứa tình yêu quê hương, đất nước với những dòng thơ giản dị, chân thật, đong đầy cảm xúc; được thể hiện trong tập thơ Bến đợi.

 

 

Ảnh minh họa.

Mở đầu tác phẩm, bài thơ Dòng sông quê hương đã vẽ nên hình ảnh quê hương êm ả, lãng mạn và nên thơ của con “Sông Đà uốn khúc trong xanh lững lờ”, có “Nương ngô xanh mướt đôi bờ”, luôn tấp nập “Thuyền xuôi thuyền ngược sớm trưa”. Mảnh đất thân thương yêu dấu ấy đã gắn liền với những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí của nhà thơ: “Em ơi có thấu tình anh/ Đã hòa vào nước sông xanh quê nhà/ Nơi đâu cũng đọng hồn ta/ Con sông, bến nước, tiếng gà gáy trưa”. Tình yêu ấy đi theo nhà thơ suốt cuộc đời để rồi hóa thành những ước vọng: “Xa quê anh vẫn mong chờ/ Có ngày ta lại đậu bờ bến xưa”.

Mùa xuân - mùa của tình yêu cũng hiện hữu trong Xuân về: “Hương xuân dâng nhè nhẹ/ Cho cánh én nghiêng say/ Bao mưa bụi bay bay/ Rắc những hạt ước vọng/ Lên chồi non run rẩy”. Và mùa xuân với những đổi thay náo nức đã lại về trên quê hương thật đẹp làm sao: “Xuân về trên quê ta/ Thấm vào từng cánh hoa/ Cho rừng ban trắng xóa/ Thấm vào từng cánh bướm/ Bướm say xuân nghiêng ngả/ Chập chờn mãi khe xa...”. Đó còn là lời tự tình đầy cảm xúc được tác giả cất lên khi đi giữa mùa xuân: “Em đi giữa mùa xuân/ Trong núi rừng bao la/ Em đi giữa mùa hoa/ Cho hồn em thắm mãi/ Tuổi đời em đôi mươi/ Như hoa trên rừng ngàn/ Hương đời em vẫn tỏa/... Ôi mùa xuân, mùa xuân/ Mùa của bướm và hoa/ Mạch mùa xuân lặng lẽ/ Chảy trong trái tim ta”. 

Những dòng thơ mềm mại, thiết tha chan chứa tình yêu lứa đôi được gửi gắm trong bài Tình hoa trắng: “Anh xa em đã mấy mùa ban trắng/ Hôm nay trở lại khu rừng vắng/ Hoa ban đã thắp sáng cánh rừng xưa/ …Nhớ ngày em mười lăm mười sáu/ …Ta lên rừng hái nấm hái măng/ Hoa ban nở ôi hoa màu trắng/ Hương thơm bay trong nắng sớm xôn xao/ Anh hái tặng em cành hoa trắng/ Hoa thơ ngây như mối tình đầu/ Giờ đây trong núi rừng yên lặng/ Có phải em gửi lại tình hoa trắng/ Trong màn sương bảng lảng đang bay/ Trong tha thiết tiếng suối chảy xa vắng/... Hoa ban trắng trong nắng trong mưa/ Hoa thắp sáng núi rừng xanh thắm/ Như tình em mãi mãi thắp sáng/ Những niềm vui, những cay đắng cuộc đời”.

Tác giả còn gửi gắm tình cảm sâu đậm đối với Xóm núi thân thương, nơi ghi dấu bao kỷ niệm thời hoa niên tuy nghèo khó nhưng đong đầy tình người đã trở thành hành trang theo suốt cuộc đời: “Nhà sàn xóm núi chênh vênh/ Dưới chân núi đá bồng bềnh khói mây/ Tuổi thơ đọng lại nơi đây/ Xa quê năm tháng đong đầy nhớ thương/ Nhớ ngày theo mẹ lên nương/ Ven đường lau trắng nắng vương lưng đèo/ Ngày xưa xóm núi đói nghèo/ Thương sao đời mẹ gieo neo tháng ngày”. Cùng với dòng chảy cuộc sống ngày nay Xóm núi đã thay da đổi thịt: “Giờ đây xóm núi đông vui/ Trẻ hồng áo mới già vui chén trà/ Tiếng “đang” vang vọng sông Đà/ Chạm vào vách đá thiết tha mặn nồng/ Nương ngô xanh mướt bờ sông/ Nhà sàn ngói đỏ bóng lồng sông xanh/... Quê hương hai tiếng âm vang/ Lên non xuống biển vẫn mang theo cùng”.

Nhà thơ không chuyên Đinh Tân còn dành nhiều dòng thơ để ca ngợi những con người đang lao động hăng say, cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước ngày càng đẹp giàu qua bài Suy tư: “Ở đây chỉ có sắt thép và xi măng/ Cùng tiếng máy và những ánh lửa hàn/ Ở đây chỉ có những con người/ Làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ/... Vì đây là công trường Thủy điện Sơn La/ Công trường của bài ca tuổi trẻ/ Đã về đây là không ngại gian khó/ Dám gửi tuổi xuân cho nắng gió mưa sa/ Da có sạm chuyện thường đâu đáng kể/ Má không hồng em có ngại ngùng chi/ Đời chỉ vui khi ta biết dâng hiến/ Những tài ba và sức khỏe của ta/ Cho đất nước, cho dân, cho Đảng/ Tình chỉ đẹp khi ta biết hòa vào/ Những công trình nguy nga của đất nước”.

Trong tập thơ Bến đợi còn nhiều bài thơ, trang thơ hay như: Một thoáng Mường La; Nhớ phố Vạn; Chiều về trên sông Đà; Tiếng vọng của đá; Dòng sông tình yêu; Tình em; Nặm La; Qua Bắc Yên; Qua cầu Tạ Khoa; Trên đường tuần tra; Tà Xùa quê em; Chờ xuân, Chiều buông trên núi; Nhớ về phố núi Sơn La... đong đầy cảm xúc chân thành về tình yêu quê hương, đất nước của tác giả.

Dương Thúy Hồng (Thư viện tỉnh)

 


BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới