Phù Yên bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa

Những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện Phù Yên được quan tâm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, tìm hiểu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và du khách trong, ngoài tỉnh.

 

 

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Chu, bản Chiềng, xã Quang Huy (Phù Yên).

 

Trên địa bàn huyện Phù Yên hiện có 4 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, gồm: Đình Chu (xã Quang Huy); Đồn bản Mo (thị trấn Phù Yên); Khu di tích rừng bản Nhọt (xã Gia Phù); Di tích kháng chiến chống Pháp đèo Lũng Lô (xã Mường Cơi). Ngoài ra, còn có 2 danh thắng khác chưa được xếp hạng đang được nghiên cứu và khai thác để phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm, đó là: Rừng thông Noong Cốp, ao Bua (xã Quang Huy), hồ Suối Chiếu (xã Mường Thải)... Hằng năm, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị của di tích; lập quy hoạch và cắm mốc khoanh vùng bảo vệ  những di tích nằm trong khu dân cư.

 

Bà Bạc Thị Vân, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Hằng năm, Phòng đã tham mưu với UBND huyện thành lập tổ liên ngành, tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, thống kê lại tài sản thuộc các di tích; thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá đúng quy định. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã huy động các nguồn vốn để đầu tư tu bổ, tôn tạo Đình Chu; xây dựng khu trung tâm Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp tại bản Nhọt (Gia Phù); khu du lịch hồ Suối Chiếu (Mường Thải)... với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Hằng năm, đã thu hút hơn 11.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.

 

Tháng 6/2013, Đình Chu (xã Quang Huy), được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đình có tuổi đời gần một thế kỷ, trải qua thời gian và bom đạn tàn phá trong chiến tranh, di tích Đình Chu bị xuống cấp. Năm 2017, huyện đã đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn khác tu bổ, tôn tạo di tích với các hạng mục: Nhà Đại đình rộng 189 m², ao sen, tường bao và các công trình phụ trợ... Cách quốc lộ 37 khoảng 3 km, Đình tọa lạc trên vị trí đất bằng phẳng, bao quanh là cánh đồng Mường Tấc; mặt Đình nhìn về hướng tây, phía trước có ao sen nở hoa thơm ngát; nhà đại đình được xây dựng theo kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ, với những hàng cột lim to, mái lợp ngói vảy hình đĩa chạm khắc hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. Hằng năm, có hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan, vãn cảnh.

 

Còn Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp rừng bản Nhọt (xã Gia Phù), cũng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Nơi đây không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn là khu bảo tồn sinh thái, với thảm thực vật nguyên sinh, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, không khí mát mẻ, trong lành. Tháng 8/2020, Khu di tích được khởi công tôn tạo, với số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm, đền thờ, hồ nước, vườn hoa, sân đỗ xe, cổng chào... Khi hoàn thành, sẽ góp phần phát huy giá trị di tích lịch sử, đồng thời là điểm du lịch hấp dẫn nằm trong cung du lịch văn hóa, lịch sử Đền Hùng - Ngã Ba Cò Nòi -  Pha Đin - Điện Biên Phủ.

 

Để phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, thời gian tới, huyện Phù Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản cho người dân; phối hợp với các trường học trong huyện tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cho học sinh; huy động các nguồn vốn để đầu tư thực hiện bảo vệ, tôn tạo di tích; gắn các hoạt động du lịch với quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới