Những nhạc cụ giữ hồn văn hóa dân tộc Mông

Văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vốn rất đa dạng và phong phú. Trong đó, âm nhạc với những loại nhạc cụ độc đáo, nghệ thuật trình diễn đặc sắc là dấu ấn tạo nên nét đặc trưng. Đến nay, nhiều loại nhạc cụ gắn liền với đời sống của đồng bào vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành những tài sản quý giá trong kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc.

Sáo - nhạc cụ của đồng bào dân tộc Mông.

 

Nhạc cụ dân tộc Mông có rất nhiều loại, như: khèn, sáo, đàn môi... Bộ nhạc cụ đa dạng có từ rất lâu đời đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, là nét đặc sắc của cộng đồng. Trong các nhạc cụ đó, đầu tiên phải nhắc đến là chiếc khèn, từ lâu đã được coi là biểu tượng của văn hóa dân tộc Mông. Khèn trong tiếng Mông là “kềnh”, được làm từ gỗ pơ mu và 6 ống trúc ghép lại, là một loại nhạc cụ, đạo cụ xuất hiện trong mọi hoạt động văn hóa của dân tộc Mông.

Cây khèn, tiếng khèn và điệu nhảy “tha kềnh” là dấu ấn xuyên suốt trong văn hóa tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông ngàn đời nay. Khèn được dùng trong những ngày vui, để các chàng trai thể hiện tài năng múa khèn điêu luyện, gây ấn tượng với các thiếu nữ xúng xính váy, áo đi trẩy hội. Khèn để thổi lên những khúc nhạc trầm, da diết, thay lời tiễn biệt của những người thân yêu dành cho người đã khuất núi.

Bên cạnh đó, sáo cũng được biết đến là một loại nhạc cụ nổi tiếng của dân tộc Mông, có cách chế tác khá đặc biệt từ ống trúc, tùy theo cách chế tác của từng nghệ nhân mà tiếng sáo Mông có âm vực và độ vang khác nhau. Tiếng sáo réo rắt, âm vang, cao vút mỗi khi cất lên là vang vọng núi rừng, xé tan màn sương mù trên vùng cao. Ngày nay, sáo Mông được cải tiến khá nhiều, từ một nhạc cụ độc tấu đã được dùng để hòa tấu trong các dàn nhạc dân tộc, tạo nên những giai điệu giàu cảm xúc, cuốn hút người nghe.

Nếu như khèn và sáo chỉ dành riêng cho nam giới thì đàn môi (kèn môi) và kèn lá lại là nhạc cụ được cả các chàng trai, cô gái coi như “báu vật” giúp họ nói lên niềm thương, nỗi nhớ với người mình yêu. Đàn môi được làm từ một mảnh trúc nhỏ có gắn lá đồng cán mỏng tạo thành lưỡi gà, khi thổi, lưỡi gà sẽ rung lên và phát ra âm thanh. Tiếng đàn môi rất đặc biệt, âm thanh phát ra từ khoang miệng, thâm trầm, rủ rỉ, thường thổi theo một giai điệu tình ca mà chỉ những đôi nam nữ yêu nhau mới có thể thấu hiểu được ý nghĩa mà tiếng đàn môi muốn truyền tải. Nếu như đàn môi cần sự kỳ công và tỷ mẩn, đòi hỏi kỹ thuật trong chế tác thì khèn lá lại hoàn toàn đơn sơ, chỉ cần “tiện tay” bứt nhẹ chiếc lá trên cây, đưa lên môi với sẵn những tâm tình trĩu nặng, với nỗi niềm nhung nhớ là người thổi có thể cất lên những giai điệu lảnh lót, thanh cao như tiếng chim họa mi vang vọng giữa đại ngàn trùng điệp.

Tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi... những nhạc khí với âm sắc đặc biệt kết hợp với những giai điệu đặc trưng miền rẻo cao luôn có sức quyến rũ khó tả, thanh âm lúc thâm trầm, khi réo rắt, vang vọng núi rừng, diễn tả trọn vẹn mọi cung bậc cảm xúc, có thể dễ dàng chạm đến trái tim người nghe. Ấy thế nên, dễ hiểu vì sao tiếng nhạc ấy trở thành đề tài cho những áng văn thơ bất hủ với “tiếng khèn man điệu nàng e ấp” trong “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng hay “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thủy, được chuyển thể thành phim điện ảnh nổi tiếng “Chuyện của Pao”.

Cho đến nay, bộ nhạc cụ truyền thống của đồng bào Mông vẫn được các thế hệ truyền nhau gìn giữ và có những cải tiến phù hợp với đời sống hiện đại. Vậy cũng đủ thấy giá trị tinh thần bền vững và một vị trí quan trọng không thể thay thế của nhạc cụ cổ truyền, cùng âm nhạc dân gian trong văn hóa ngàn đời của dân tộc Mông trước những biến đổi không ngừng của nghệ thuật đương đại.

Thảo Nguyên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới