Những người “thổi hồn” cho văn hóa truyền thống

Bức tranh văn hóa các dân tộc Sơn La đa dạng và phong phú với sự quy tụ của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa truyền thống khác nhau, mang dấu ấn riêng, độc đáo, giàu bản sắc, làm đẹp thêm đời sống tinh thần và giá trị nguồn cội còn được lưu giữ đến ngày hôm nay. Những giá trị văn hóa ấy được bảo tồn và và phát huy, có công lao rất lớn của những nghệ nhân dân gian, những người nặng lòng với văn hóa truyền thống.

 

Nghệ nhân góp sức truyền dạy di sản văn hóa của dân tộc.

Sơn La hiện có 28 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, là những người sinh ra từ các bản làng thấm đẫm văn hóa dân tộc, đã và đang từng ngày góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa truyền thống bằng tất cả sự đam mê và nhiệt huyết của mình.

Ông Lò Văn Lả, phường Chiềng Lề (Thành phố) với hơn 60 năm dày công nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách cổ, tri thức cổ dân tộc Thái, nguồn tư liệu quý giá cho những nghiên cứu sau này. Những năm qua, dù tuổi đã cao, nhưng ông Lả vẫn dành mọi tâm huyết cho niềm đam mê nghiên cứu và truyền dạy cho con cháu về di sản văn hóa của dân tộc.

Ông Điêu Văn Minh, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai với rất nhiều đóng góp trong lưu giữ, thực hành và truyền dạy các làn điệu dân ca, hát tín ngưỡng của dân tộc Thái (ngành Thái trắng). Ông là người đưa dân ca Thái, đàn tính tẩu vào những tác phẩm biểu diễn tại nhiều chương trình nghệ thuật toàn quốc và khu vực, đóng góp lớn vào việc bảo tồn, lưu giữ và phổ biến loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Đây là 2 nghệ nhân ưu tú tiêu biểu đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Mỗi Nghệ nhân ưu tú đều là đại diện xuất sắc cho một cộng đồng dân tộc và tiêu biểu ở một lĩnh vực riêng. Điểm chung ở các nghệ nhân là niềm say mê vô tận với văn hóa truyền thống, là những trăn trở về gìn giữ giá trị cội nguồn dân tộc. Ông Bàn Văn Đức, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, nặng lòng với tri thức cổ đã dành nhiều tâm sức biên soạn lại 3 bộ sách cổ dùng làm tài liệu giảng dạy chữ Nôm Dao và đến khắp các bản làng để truyền dạy chữ viết với một tâm niệm duy nhất “mong muốn đồng bào dân tộc Dao ai cũng biết chữ viết dân tộc, bởi chỉ có biết chữ mới có thể hiểu và gìn giữ được giá trị của văn hóa”. Hơn 10 năm qua, đã có gần 20 lớp học được tổ chức với hàng trăm học viên đã được ông truyền dạy chữ viết và văn hóa của dân tộc Dao. Không ít học viên sau các khóa học đã “nối gót” ông, trở thành những người thầy tiếp tục truyền dạy chữ viết cho thế hệ sau.

Trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian phải kể đến bà Giàng Khánh Ly, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu được ví là “họa mi trên cao nguyên” với giọng hát trong trẻo và truyền cảm, đã truyền cảm hứng cho đồng bào dân tộc Mông thêm yêu dân ca và văn hóa dân tộc mình bằng những năm tháng miệt mài sưu tầm, thể hiện hàng trăm bài dân ca và sáng tác ca khúc dân tộc Mông.

Lĩnh vực ngữ văn dân gian có ông Cầm Vui, với nhiều cống hiến trong sưu tầm, biên soạn văn học dân gian Thái cổ, sáng tác dân ca, khảo tả, phục dựng lễ hội truyền thống... Cùng rất nhiều những nghệ nhân ở mỗi làng bản vẫn đang miệt mài góp sức bảo tồn giá trị nguồn cội, là những nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Các nghệ nhân chiếm một vị trí quan trọng, có uy tín trong cộng đồng và không thể thiếu trong mọi nghi lễ truyền thống của dòng họ, làng bản, là người nắm giữ kho tàng tri thức dân gian, về tín ngưỡng và văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc.

Trước sự thay đổi không ngừng của đời sống xã hội, văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một thì các nghệ nhân chính là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; được ví như những “kho sách sống” rất đáng trân trọng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập hồ sơ xét đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 9 cá nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian và tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, góp phần tiếp thêm động lực để họ tiếp tục phát huy tài năng, nhiệt huyết trong truyền dạy và lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể đến thế hệ mai sau.

Thảo Nguyên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới