Giữ gìn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Thái

Những năm qua, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Ông Quàng Văn Cường, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Yên Châu, cho hay: Đồng bào dân tộc Thái nơi đây vẫn còn lưu truyền, gìn giữ và tổ chức các lễ hội: Mừng cơm mới, xên bản, xên mường, mừng nhà mới, cầu mưa; các làn điệu dân ca, như: Ru con, hát đối đáp, hát cộng đồng, các điệu múa nắm tay xòe vòng mang đậm âm hưởng của núi rừng, phác họa sinh động đời sống sinh hoạt văn minh lúa nước; những nếp nhà sàn truyền thống; duy trì, phát huy làng nghề dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần, các món ăn truyền thống dân tộc Thái.

Một lớp dạy chữ Thái cổ cho người dân ở xã Chiềng Pằn.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, huyện Yên Châu đã phát động phong trào thi đua đăng ký xây dựng cơ quan, bản, gia đình văn hóa; khuyến khích nhân dân sưu tầm, giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc, làm nhà sàn truyền thống; tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi vòng xòe đầu xuân, quan tâm hỗ trợ, duy trì và phát huy hiệu quả hơn 180 đội văn nghệ tại các bản, là hạt nhân quan trọng để lưu giữ, bảo tồn và phát huy những làn điệu dân ca, hát ru, hát giao duyên của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn.

Các câu lạc bộ văn hóa Thái huyện Yên Châu phục dựng lễ hội dân tộc

Bên cạnh đó, huyện cũng quy định triển khai việc mặc trang phục truyền thống dân tộc tại các trường học; khuyến khích công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại cơ quan, đơn vị mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, ngày hội lớn của đất nước, của tỉnh, huyện... Điển hình tại Trường PTDT nội trú huyện, nhà trường quy định các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ 2 hàng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Hằng năm tổ chức nhiều ngày hội, như: Lễ mừng cơm mới; Tết của người Thái; Chúng em với nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Thái. Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo các cơ sở hội duy trì sinh hoạt của các câu lạc bộ văn hóa Thái, như: Hát Thái Chiềng Khoi; Văn hóa Thái Chiềng Đông; Văn hóa Thái Chiềng Sàng; Nét đẹp tằng cẩu Chiềng Hặc; Văn hóa Thái cổ Mường Vạt Chiềng Pằn; mô hình nét đẹp khăn piêu; duy trì và phát triển các mô hình dệt thổ cẩm ở Chiềng Đông, Chiềng Khoi, Chiềng Hặc…

Một tiết mục múa Thái của đội văn nghệ xã Chiềng Khoi. 

Chiềng Pằn có nhiều nghệ nhân am hiểu văn hóa Thái đang nỗ lực lưu truyền, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, như: Ông Lường Văn Chựa sưu tầm, truyền dạy chữ Thái, truyền dạy các làn điệu khèn, bè; bà Lò Thị Xuân bảo tồn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, truyền dạy và bảo tồn các điệu xòe cổ người Thái đen Yên Châu.

Năm 2019, nhóm “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt” xã Chiềng Pằn được thành lập, với 48 thành viên là những người am hiểu về văn hóa Thái trên địa bàn huyện, với mục đích truyền dạy cho con cháu sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca, kể các câu truyện cổ, trường ca của người Thái, dạy múa các điệu xòe cổ; dạy chữ Thái cổ; dạy thêu thùa khăn piêu, váy, áo cóm, gối, chăn. Đến năm 2021, nhóm chuyển đổi thành Câu lạc bộ, với 61 thành viên tham gia.

Tiết mục khắp Thái của đội văn nghệ xã Chiềng Khoi.

Ông Lường Văn Chựa, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa Thái cổ Mường Vạt dù tuổi đã gần 80, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, ghi chép lại những làn điệu khèn bè của dân tộc mình. Tiếng trống, chiêng, tiếng hát, tiếng khèn trong các lễ hội của bản mường đã ngấm vào máu thịt của ông ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó, ông cũng sưu tầm, nghiên cứu, tìm đến những người am hiểu về ngôn ngữ Thái nhờ hỗ trợ để biên soạn giáo trình chữ Thái chuẩn dùng cho việc dạy học.

Ông Chựa tâm sự: Những làn điệu mượt mà, say đắm của khèn bè đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của dân tộc Thái Yên Châu. Tôi mong muốn những việc làm của mình sẽ góp sức lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ hiểu và ngày càng yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc.

Từ năm 2020 đến nay, ông Chựa đã cùng với câu lạc bộ mở 7 lớp học chữ Thái miễn phí, thu hút gần 150 học viên tham gia; tổ chức dạy 15 lớp múa xòe, thổi khen bè, với hơn 500 học viên tham gia. Điều đáng trân trọng là nhiều học trò được ông Chựa và câu lạc bộ Thái cổ Mường Vạt đã lan tỏa tiếng nói, chữ viết, văn hóa dân tộc cho con cháu. Chị Lò Thị Anh, bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, chia sẻ: Qua học lớp chữ Thái, tôi thấy rất bổ ích cho bản thân, tôi biết chữ viết của dân tộc, tục lệ của người Thái từ thuở xưa được lưu trong những cuốn sách và từ đó tôi sẽ dạy cho con, cháu mình giữ gìn, bảo tồn.

Chúng tôi về bản Pút, xã Chiềng Khoi đúng vào dịp đội văn nghệ của bản đang luyện tập văn nghệ chuẩn bị giao lưu Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Gần 20 người tập trung tại nhà văn hóa bản để cùng nhau luyện tập những điệu múa nón, múa quạt, múa khăn... Ông Lừ Văn Hóa, Bí thư Chi bộ bản, cho biết: Bản có 112 hộ, 484 nhân khẩu, hiện bản vẫn còn giữ gìn những nếp nhà sàn truyền thống; những điệu múa xòe, những bài hát Thái và những món ăn dân tộc Thái; bên cạnh đó duy trì 2 đội văn nghệ của chi hội người cao tuổi và chi hội phụ nữ bản là những hạt nhân thúc đẩy phong trào văn hoá, văn nghệ của bản ngày càng phát triển, gìn giữ những giá trị văn hóa Thái.

Cùng với sự phát triển của các hoạt động kinh tế, bản sắc văn hóa dân tộc Thái huyện Yên Châu vẫn hàng ngày hiện hữu, gắn bó trong lao động, sản xuất, đời sống của đồng bào. Với tình yêu, tinh thần trách nhiệm của các nghệ nhân và nhân dân, những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Thái ở huyện Yên Châu tiếp tục được lưu giữ và phát triển.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới