Giữ điệu xòe của dân tộc Thái

Những năm qua, đồng bào dân tộc Thái ở thành phố Sơn La đã gìn giữ, xây dựng và phát triển nghệ thuật múa xòe. Vòng xòe ngày càng trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

Phường Chiềng An, Thành phố tập huấn múa xòe Thái.

 

Thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20/8/2020 của Thành ủy về “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Thành phố, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc giai đoạn 2021-2025”, bà Lù Thị Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố, chia sẻ: Chúng tôi đã khuyến khích thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái tại 12 xã, phường. Đồng thời, vận động các nghệ nhân, những người say mê, am hiểu văn hóa dân tộc Thái nghiên cứu, sưu tầm và tổ chức truyền dạy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào, trong đó có nghệ thuật múa xòe cho thế hệ trẻ. Thông qua các hội thi, hội diễn, khuyến khích, động viên nhân dân tổ chức vòng xòe; tổ chức một số hoạt động khôi phục các lễ hội, cũng như triển khai các sự kiện văn hóa lồng ghép với hoạt động vui chơi để nghệ thuật xòe Thái được bảo tồn, lan tỏa, phát huy giá trị.

Nghệ thuật xòe được đồng bào dân tộc Thái ở Thành phố bảo tồn khá nguyên vẹn, với nhiều hình thái khác nhau, nhưng nhìn chung các điệu xòe chính, gồm: Điệu cầm tay nhau (khắm khen); điệu tung khăn (nhôm khăn); điệu tiến lùi (đổn hôn); điệu phá xí (bổ bốn); điệu nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu) và đi vòng tròn vỗ tay (Ỏm lọm tốp mư)...

Điệu cầm tay nhau là động tác cơ bản đầu tiên, trong điệu này đội hình xếp vòng tròn, mọi người nắm tay nhau, chân phải bước tiến một bước, chân trái bước theo sát vào chân phải, đồng thời nắm tay nhau đưa lên cao ngang đầu theo nhịp trống.

Còn điệu tung khăn, khi tay tung cao theo nhịp bước chân thì đồng thời hai tay cầm hai đầu khăn tung lên cao theo nhịp trống xòe.

Với điệu xòe bước tiến lùi, trong vòng tròn, cứ một người bước tiến, một người sát cạnh bước lùi, động tác tay cầm khăn tung cao và ký chân theo nhịp trống.

Điệu xòe bổ bốn gồm từng tốp 4 người thể hiện các động tác xòe tay đan rồi lần lượt tách ra, biểu hiện tình cảm của mỗi cá nhân trong cộng đồng, dù có đi nơi đâu cũng không quên được nguồn cội.

Điệu nâng khăn mời rượu, chân bước theo nhịp xòe, chén rượu mời khách được nâng trên đôi tay cùng với chiếc khăn xòe và câu khắp thể hiện sự trân trọng đối với khách.

Cuối cùng là điệu đi vòng tròn vỗ tay. Mọi người đi vòng tròn, chân bước tiến đều, tay vung theo nhịp bước chân, mỗi khi kết thúc một nhịp thì dừng chân nhún theo nhịp và đưa tay lên cao ngang đầu vỗ tay, báo hiệu cuộc vui sắp kết thúc.

Cùng với thời gian, múa xòe không chỉ được gìn giữ, phát triển ở đồng bào dân tộc Thái được nhân rộng, có sức hút đặc biệt với nhiều dân tộc, cũng như du khách bốn phương đến với Sơn La. Năm 2015, nghệ thuật xòe Thái được công nhận trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Mới đây, di sản nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc Việt Nam nói chung, của cộng đồng dân tộc Thái Tây Bắc, trong đó có tỉnh Sơn La.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục lồng ghép, triển khai đưa nghệ thuật xòe vào các chương trình học ngoại khóa của các nhà trường trên địa bàn; gắn nghệ thuật xòe với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, quan tâm hơn các nghệ nhân - những người trực tiếp nắm giữ, thực hành và truyền dạy nghệ thuật xòe, có chế độ đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới