Đón giao thừa, nét đẹp văn hóa trong ngày Tết

Mỗi dịp tết đến, xuân về, mọi người lại có dịp được đoàn tụ, sum vầy cùng người thân trong trong gia đình. Đặc biệt, phong tục đón giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là thời điểm thiêng liêng để mọi người quây quần bên nhau tiễn năm cũ, đón năm mới cùng chúc nhau những lời tốt đẹp, cầu mong một năm mới mạnh khỏe, may mắn, bình an và hạnh phúc.

                                 

Chợ hoa xuân tại khu Quảng trường Tây Bắc.

           

Khi chưa có dịch Covid-19, việc đón giao thừa đã trở thành dịp lý tưởng để mọi người đón xuân tại các khu vui chơi ở trung tâm Thành phố, nhất là khu Quảng trường Tây Bắc. Chị Nguyễn Thị Hoa, 38 tuổi, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, nhớ lại: Từ ngày có Quảng trường Tây Bắc, cứ đến đêm 30 Tết là cả nhà tôi cùng đi xem các hoạt động chào đón giao thừa. 

           

Năm nay do dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp nên không tổ chức bắn pháo hoa, chắc chắn Khu Quảng trường Tây Bắc và đường phố sẽ không tụ tập đông người. Các gia đình đều sum vầy đón giao thừa ở nhà tránh dịch. Mong cho dịch bệnh qua mau, mọi người yên tâm học tập, lao động sản xuất, đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng.

           

Người dân đi chợ hoa xuân.

           

Cùng với việc các gia đình quây quần bên nhau đón giao thừa, cùng chúc cho nhau sang năm mới những điều tốt đẹp thì phong tục dâng hương lễ cúng ngoài trời; lễ cúng gia tiên trong nhà vào thời khắc đón giao thừa, nhiều gia đình vẫn duy trì, thể hiện sự tôn nghiêm đối với các thần linh, gia tiên.

           

Ông Trần Văn Ban, 83 tuổi, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, cho biết: Ngày 30 Tết, ngay sau khi làm mâm cơm cúng Tất niên, các gia đình cũng đã chủ động chuẩn bị tươm tất cho mâm lễ để cúng giao thừa. Mâm lễ gồm có một con gà luộc, hoa quả, bánh trái, mứt tết, rượu, lá trầu, quả cau, hai cây đèn nến… Đến khoảng 23 giờ, nhiều gia đình đã bày mâm lễ bên ngoài phía trước nhà hay trên tầng thượng để chuẩn bị cúng trước, sau đó mới vào cúng trong bàn thờ gia tiên.

           

Khu Quảng trường Tây Bắc vắng vẻ do dịch Covid-19.

           

Theo quan niệm dân gian, cúng ngoài trời là để tiễn đưa thần năm cũ, đón rước thần năm mới. Tức là, mỗi năm có một vị thần coi việc trần gian, hết năm thì vị thần năm cũ bàn giao công việc cho vị thần năm mới. Thời điểm diễn ra việc bàn giao công việc giữa hai vị thần rất nhanh chóng, vị thần mới cai quản mọi công việc dưới trần gian chứ không phải riêng cho một gia đình nào. Vì vậy, việc làm lễ tiễn, đón các vị thần phải được tiến hành ở ngoài trời như: ở sân, trước cửa, tầng thượng, chứ không phải ở trong nhà. Đây là thời khắc vô cùng thiêng liêng, để các gia đình cầu mong năm mới mạnh khỏe, may mắn, bình an và hạnh phúc, những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi thành viên trong gia đình. Nếu gia đình nào không bày lễ đón giao thừa ở ngoài trời, thì vào thời khắc chuyển giao ấy cũng sửa soạn các lễ vật theo phong tục trần gian, bày mâm ngũ quả, bánh chưng, trầu cau, kẹo bánh, mứt Tết, hương hoa, rượu, trà, thuốc lá… và không thể thiếu con gà luộc, đĩa xôi dâng lên bàn thờ. Khi đến thời khắc giao thừa, trước bàn thờ tổ tiên, các con cháu quần áo chỉnh tề, xếp hàng hướng lên bàn thờ, thắp hương thành tâm khấn vái, để đón năm mới một cách thành kính với đầy ước vọng.

           

Anh Nguyễn Huy Ba, phường Quyết Thắng, cho hay: Hầu hết các gia đình, sau phong tục đón thần linh ngoài trời; cúng gia tiên, mọi người lại quây quần bên bàn uống nước tại phòng phách, trên bàn có đầy đủ các loại hoa quả, hạt, kẹo bánh, thịt khô được bày từ trước đó. Rồi mở sâm banh, rót những ly rượu vang, cùng nhau cụm ly, chúc nhau sức khỏe, may mắn và thành công trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, những người lớn tuổi trong gia đình như ông bà, bố mẹ thường chúc các con cháu siêng năng học tập, chăm chỉ làm ăn, ứng xử có trên có dưới với mọi người và không thể quên mừng tuổi hay còn gọi là lì xì cho các con, cháu, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình, mà lì xì những mệnh giá đồng tiền khác nhau. Ông bà, bố mẹ mừng tuổi cho con, cháu với ngụ ý ban phúc đức, tài lộc cho các con cháu. Còn các con, cháu được mừng tuổi thường hay quan niệm đầu năm mới được nhận nhiều tiền thì trong năm đó sẽ có nhiều tài lộc và may mắn, thành công trong mọi công việc. Tiếp sau đó, lần lượt các con cháu lại chúc lại ông bà, bố mẹ, sức khỏe, luôn là tấm gương, chỗ dựa tinh thần để các con cháu học tập, noi theo. Đối với các con cháu đã có công ăn việc làm ổn định, sự nghiệp thành đạt thì cũng không quên mừng tuổi lại cho ông bà, bố mẹ ngầm ý đây là sự tôn kính đối với bậc sinh thành, những đồng tiền đầu năm sẽ mang lại sự may mắn, để ông bà, bố mẹ sang năm mới sức khỏe dồi dào, trường thọ, sống lâu trăm tuổi.

           

Phong tục mừng tuổi ngày Tết.

           

Có thể nói, phong tục đón giao thừa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc là một trong nét đẹp văn hóa mang đậm tính nhân văn và bản sắc của dân tộc, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của mỗi gia đình và nhiều người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới