Dấu tích người Việt xưa bên bờ sông Đà

Dòng sông Đà chảy qua Sơn La hiện nay được cho là có chiều dài dòng chính hơn 200 km trong tổng chiều dài hơn 500km chảy qua các tỉnh Tây Bắc nước ta, với lưu vực rộng cùng 14 phụ lưu lớn, đôi bờ sông Đà trù phú từ xa xưa đã trở thành nơi quần tụ, sinh sống của các cư dân cổ, rất nhiều dấu tích là minh chứng cho sự tồn tại, phát triển từ thời kỳ nguyên thủy cho đến thời đại văn minh kim khí đã được tìm thấy. Những dấu tích ấy là mảnh ghép đặc sắc cho nền văn hóa cổ đại của cư dân cổ ở miền Bắc Việt Nam.

 

Các hiện vật được khai quật tại Di tích Mái đá bản Mòn, huyện Thuận Châu.

Theo một lẽ đương nhiên, nước là cội nguồn của sự sống, vì vậy, các nền văn minh nhân loại trên thế giới đều bắt nguồn từ những dòng sông lớn. Và văn hóa cổ đại ở Việt Nam cũng vậy, những di chỉ khảo cổ được tìm thấy đã chứng minh, sông Đà từ hàng chục nghìn năm trước cũng từng là cái nôi sinh tồn của người Việt cổ. Mặc dù không quá rõ nét và không đủ hình thành một nền văn hóa riêng biệt nhưng lại mang những dấu ấn đặc sắc của vùng miền, gắn với đặc trưng nơi cư trú thuộc lưu vực sông Đà, bởi vậy, con sông này cũng trở thành nơi bắt nguồn cho sự phát triển cho một nhánh nhỏ người Việt xưa từ thời nguyên thủy và các thời kỳ sau này, nhất là thời kỳ tiền - sơ sử.

Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào nước ta tại tỉnh Lai Châu, qua Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, đổ vào sông Hồng và là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Riêng đoạn chảy qua địa phận tỉnh Sơn La dài nhất, lưu vực sông có diện tích lớn. Theo như nghiên cứu về lịch sử hàng nghìn năm trước đây, đoàn sông Đà ở Sơn La có độ bao phủ rộng lớn chứ không chỉ chảy qua một số địa phận thuộc 7/12 huyện, thành phố của tỉnh như hiện nay. Minh chứng là tại các di tích khảo cổ ở nơi giáp ranh vùng sông Đà đi qua đều tìm thấy các di vật cổ liên quan đến sông nước, điển hình nhất là vỏ ốc. Trong đó có thể kể đến di tích Mái đá bản Mòn, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, được phát hiện sớm nhất từ năm 1927 được coi là “căn nhà” tự nhiên của người tiền sử. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng nghìn hiện vật khá đa dạng với các mảnh gốm, đồ đá, mộ táng có niên đại 1.000 - 6.000 năm, hay hang Co Noong tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La được khai quật năm 1997, là hang động tự nhiên chỉ cách bờ sông Đà khoảng 100m tính theo đường chim bay, là nơi phát hiện khá nhiều hiện vật như mảnh tước, đá cuội... cho thấy sự tồn tại của cư dân cổ và được xác định là có niên đại từ thời hậu kỳ đá mới.

Hang Co Noong nằm ở trên cao, tầm nhìn bao quát, là một “mái nhà tự nhiên” có địa thế đẹp, đặc biệt thích hợp với điều kiện sinh sống ở thềm sông của các cư dân thời kỳ này. Ngoài ra, còn khá nhiều hang động tự nhiên đã được tìm thấy cùng với các di vật khảo cổ mang chứng tích về sự sống của người Việt xưa trên lưu vực sông Đà, như: hang Thẩm Puốc ở Bắc Yên; hang mộ Tạng Mè, hang Pông ở Vân Hồ; hang Hua Bó ở Mường La; hang Thẳm Mu ở Mai Sơn; hang Tắng ở Phù Yên; hang Lán Le ở Quỳnh Nhai... Đó là những dấu tích ấn tượng về sự có mặt của một bộ phận cư dân cổ sinh sống và phát triển qua từng thời kỳ.

Tại rất nhiều nơi bên bờ sông Đà cũng đã phát hiện ra hàng ngàn các di chỉ, cổ vật có niên đại từ thời kỳ đồ đá cũ như đá cuội, mảnh tước được dùng để ghè đẽo, chế tác công cụ; hay các mảnh gốm, đá mài được cho là có từ thời hậu kỳ đá mới. Sự xuất hiện của các hiện vật bằng đồng, như: mũi tên, vũ khí, trống đồng, trang sức đồng,... mang đặc trưng của cư dân cổ thời kỳ đồng thau. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Sơn La đang trưng bày và lưu giữ hơn 5.400 hiện vật khảo cổ học đã được các nhà khảo cổ học xác định về nguồn gốc và niên đại. Không chỉ có sự phong phú về các hiện vật, ngay trên sông Đà, những dấu tích bí ẩn về người Việt cổ cũng đã được tìm thấy, như bãi đá cổ Pá Màng (nay đã chìm dưới lòng hồ thủy điện Sơn La) với những hoa văn độc đáo và kỳ lạ, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể giải nghĩa.

Không riêng gì ở Sơn La, những nơi khác thuộc lưu vực sông Đà cũng phát hiện các di vật cổ, càng thêm khẳng định chắc chắn về sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của các cư dân cổ bên thềm sông. Đó là những dấu tích có giá trị về lịch sử cách đây hàng nghìn năm và là kho tàng thông tin tư liệu vô cùng quý giá về cuộc sống của người Việt xưa. Dòng sông Đà “hung bạo và trữ tình” ấy không chỉ mang trong mình câu chuyện lịch sử hàng thiên niên kỷ, là nguồn sống bao đời của đồng bào các dân tộc bên sông, và ngày nay được mệnh danh là “dòng sông ánh sáng” với giá trị và tiềm năng lớn về thủy điện giúp mở ra lợi thế mới cho Sơn La và Tây Bắc.

Thảo Nguyên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới