Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể được ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Dạy múa khèn mông cho thế hệ trẻ ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, Mộc Châu.

Sơn La có 12 di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu được được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Cùng với các tỉnh khu vực Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái) và các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, TT&DL xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể ”Nghệ thuật Xoè Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 15/2/2021. Trong năm 2021-2022, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh Hoà Bình xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường, chuẩn bị đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời, tập trung tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án và kế hoạch giai đoạn về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ; Đề án và kế hoạch giai đoạn nghiên cứu, sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền dạy một số loại hình di sản văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020. Tham mưu trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 28 nghệ nhân.

Hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt chú trọng các địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị mai một như dân tộc La Ha, Kháng, Xinh Mun...

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, lập hồ sơ bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh được chú trọng triển khai. Tập trung nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy, thể hiện dân ca, dân vũ, các nghi lễ; chế tác các loại nhạc cụ dân gian, tổ chức hoạt động trải nghiệm, giới thiệu giá trị di sản văn hóa phi vật thể đến với quần chúng nhân dân. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, trưởng bản, nghệ nhân và người có uy tín tại các địa phương trong tỉnh. Công tác tổ chức, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc được tăng cường triển khai thông qua các hoạt động của đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở...

Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Châu, cho biết: Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, thể hiện ở việc: Tổ chức và phục dựng được một số lễ hội truyền thống, như: Lễ hội cầu mưa, xã Chiềng Hặc; Lễ hội Mường A Ma, xã Chiềng On đã được Bộ Văn hóa TT&DL công nhận là Danh mục di sản phi vật thể; Lễ Hội Tu Su, xã Tú Nang…; một số câu lạc bộ tiêu biểu, như CLB Thái cổ Mường Vạt, xã Chiềng Pằn; CLB hát Thái xã Chiềng Khoi; CLB dệt thổ cẩm, bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông; CLB nét đẹp khăn Phiêu, xã Viêng Lán, Nhóm bảo tồn Văn hóa Thái, xã Chiềng Pằn…  

Đồng chí Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, địa phương về vai trò, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống của nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tham mưu thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trọng tâm tham mưu thực hiện có hiệu quả Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc dự án số 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Truyền dạy thêu khăn piêu và xe vải cho thế hệ trẻ ở xã Viêng Lán, huyện Yên Châu.

Nghiên cứu, tham mưu đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân trong công tác trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; công tác nghiên cứu sưu tầm, biên tập, khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác kiểm kê, quản lý di sản văn hoá phi vật thể giỏi chuyên môn, am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tỉnh. Tham mưu đưa một số loại hình dân ca, dân vụ, dân nhạc truyền thống các dân tộc tỉnh vào hoạt động giảng dạy cho học sinh và ngoại khoá tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Quan tâm xem xét và đề xuất các nghệ nhân ưu tú có đủ điều kiện để trình hội đồng cấp tỉnh, cấp trung ương xét tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới