Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và đã đạt được kết quả tích cực, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Phục dựng, tái hiện Lễ hội Hết Chá tại bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu).

Ảnh: PV

 

Thực hiện Luật Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm tốt công tác kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đánh giá thực trạng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh. Theo thống kê, tỉnh ta hiện có 96 di tích được đưa vào danh mục, trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 33 di tích chưa được xếp hạng. Các đơn vị, địa phương được giao quản lý các di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh đã làm tốt công tác bảo tồn và khai thác hiệu quả, hàng năm thu hút hàng nghìn lượt người tham quan, học tập và nghiên cứu, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân. Một số di tích đã có nguồn thu từ phí tham quan để đầu tư trở lại cho công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp, như: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Di tích Văn bia Quế lâm Ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến...

Công tác bảo tồn các tư liệu, hiện vật văn hóa, lịch sử, dân tộc luôn được quan tâm, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 20 ngàn tài liệu, hiện vật, trong đó có các sưu tập hiện vật quý, như: Sưu tập đồ đồng, trống đồng; sách chữ Thái cổ, Dao cổ; trang phục các dân tộc thiểu số... được trưng bày theo một số chuyên đề trong không gian của Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, như: Đặc trưng văn hóa các dân tộc Sơn La; Khảo cổ học Sơn La thời kỳ Tiền - Sơ sử; Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La; các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc được công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhà trưng bày “Di sản văn hóa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La” với hệ thống kho bảo quản hơn 6.000 hiện vật được sưu tầm, khai quật trong vùng ngập của Nhà máy thủy điện Sơn La và hệ thống trưng bày các hiện vật được khai quật từ các di chỉ khảo cổ học, quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La; văn hóa các dân tộc trong vùng ngập của lòng hồ thủy điện Sơn La.

Trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh đã tiến hành kiểm kê di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn để nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc, các ngành và các nhóm địa phương với 9 dân tộc, gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng và nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kết quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 12 di sản văn hóa tiêu biểu, đó là: Chữ viết cổ dân tộc Thái, Lễ Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); nghệ thuật xòe Thái; lễ cúng dòng họ dân tộc Mông; lễ Pang A (cầu an) của dân tộc La Ha; nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao; nghệ thuật khèn của người Mông huyện Mộc Châu; nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền; lễ gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa huyện Mộc Châu; nghi lễ Mạng Ma (cầu sức khỏe) của người Xinh Mun, xã Chiềng On, huyện Yên Châu; nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng. Duy trì tốt hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa văn hóa truyền thống của các dân tộc, như: Nhạc cụ của người Mông, Thái, Dao, Khơ Mú; các làn điệu dân ca của người Dao, Thái, Mường, Mông; nghề làm giấy và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy dó của người Dao; nghi lễ cúng vía trâu của người Thái; lễ cúng bản của người La Ha; lễ mừng cơm mới của người Lào; nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của dân tộc Mông...

Bên cạnh đó, từ năm 1992 đến nay toàn tỉnh thường xuyên duy trì trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, tổ, tiểu khu. Ngoài kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/bản/năm theo chính sách của tỉnh, các đội văn nghệ đã kêu gọi xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp để duy trì hoạt động, tham gia biểu diễn giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của tỉnh phát triển mạnh, là môi trường tốt để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tổ chức phục vụ khách du lịch.

Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau theo hướng tích lũy trong môi trường văn hóa. Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà nước, của các cấp, các ngành, người dân cần nâng cao nhận thức trong giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; các địa phương phải gắn kết việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái văn hóa, đời sống văn hóa cộng đồng làng bản.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới