Vân Hồ quan tâm chăm lo sức khỏe phụ nữ, trẻ em

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn huyện Vân Hồ luôn được cấp ủy, chính quyền và các địa phương quan tâm lãnh đạo thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Vân Hồ tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

                 

Gần 20 năm chuyên trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản - dinh dưỡng của Trạm Y tế xã Vân Hồ, chị Tráng Thị Mai được chị em phụ nữ trên địa bàn yêu mến, tin tưởng. Năm 2001, Trạm Y tế chưa có nữ hộ sinh, nhân viên y tế bản chủ yếu là tình nguyện viên. Do vậy, mọi công việc như đến các bản tìm hiểu, lập danh sách, quản lý phụ nữ mang thai, phụ nữ đẻ, trẻ em; vận động phụ nữ mang thai khám, sinh con tại cơ sở y tế... đều do chị đảm nhiệm. Đến nay, công tác truyền thông trên địa bàn xã được tổ chức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh bản, các cuộc sinh hoạt của tổ chức đoàn thể... Song, chị cũng như các cán bộ Trạm Y tế xã Vân Hồ vẫn định kỳ hàng tháng tổ chức tuyên truyền lồng ghép về sức khỏe sinh sản với hoạt động tiêm chủng tại bản. Từ ngày 18 đến 22 hàng tháng, tại các điểm tổ chức tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ kết hợp rà soát, nắm số lượng phụ nữ mang thai mới; đồng thời, tuyên truyền kiến thức, tư vấn phương pháp chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Tổ chức cân, đo chiều cao cho trẻ từ 0 - 5 tuổi và trẻ dưới 2 tuổi định kỳ 1 lần/tháng, trẻ từ 3 - 5 tuổi định kỳ 3 tháng một lần tại nhà. Nhờ vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực: Tỷ lệ phụ nữ mang thai khám thai định kỳ và số phụ nữ đẻ được quản lý đạt trên 92%; trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo định kỳ cũng đạt trên 97%... 

                 

Trao đổi với bà Hà Thị Hoan, Phó trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ, được biết: Huyện Vân Hồ có địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều; ở nhiều bản vùng sâu, vùng xa vẫn còn những phong tục, tập quán lạc hậu; nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế; một bộ phận chị em phụ nữ chưa mạnh dạn, tự giác đi khám thai, khám phụ khoa; phụ nữ có thai ở tuổi vị thành niên còn thiếu kiến thức về làm mẹ an toàn và cách phòng tránh lây truyền các bệnh qua đường tình dục... Để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn đó, hàng năm, Khoa đã tham mưu cho Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cử cán bộ y tế, chuyên trách chăm sóc sức khỏe sinh sản - dinh dưỡng tại các trạm tham dự 3 đợt tập huấn về hướng dẫn sử dụng Sổ sức khỏe bà mẹ - trẻ em, hỗ trợ trẻ sơ sinh thở, nâng cao kế hoạch hóa gia đình; tổ chức 28 lượt giám sát chỉ đạo tuyến tại 14 xã; hỗ trợ các đơn vị y tế trong việc triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; cung cấp kịp thời thuốc và vật tư y tế cho các trạm. Đồng thời, đẩy mạnh việc tư vấn sàng lọc xét nghiệm HIV, viêm gan B, giang mai cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đẻ tại các trạm y tế xã; kết nối với phòng khám ngoại trú điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con ngay sau khi phát hiện phụ nữ mang thai hoặc sau sinh nhiễm HIV; tư vấn điều trị cho trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ mẹ. Đơn vị cũng chủ động phối hợp các địa phương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức các chiến dịch truyền thông, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tính đến hết tháng 6, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám trung bình 3 lần/chu kỳ thai đạt trên 95%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý đạt 98%; phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt gần 90%; không có ca tử vong mẹ và tai biến sản khoa; 100% trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống vitamin A và trẻ từ 25 - 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun. Hơn 17.600 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cũng được quan tâm tư vấn các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa và điều trị phụ khoa...

                 

Những nỗ lực của ngành Y tế huyện Vân Hồ đã góp phần giúp phụ nữ và trẻ em được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc thiết yếu, góp phần giảm thiểu những tai biến sản khoa và nâng cao chất lượng sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên địa bàn.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới