Phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng bền vững

Nông nghiệp, nông thôn Sơn La trong những năm qua có một bước tiến dài, đột phá là đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, thống nhất về cơ chế, chính sách, gắn quy hoạch với tổ chức lại sản xuất, khai thác lợi thế từng vùng để đưa cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất. Sơn La đã trở thành một hiện tượng trong sản xuất nông nghiệp, là vựa cây ăn quả lớn nhất của miền Bắc và đứng thứ hai toàn quốc.

Câu chuyện làm nông nghiệp ở Sơn La đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Vấn đề đặt ra là nghiên cứu, vận dụng các nghị quyết của Đảng, các cơ chế chính sách vào thực tiễn nông nghiệp, nông thôn Sơn La, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

             

Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 cấp sản phẩm gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu (Sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”). Triển khai chương trình, dự án cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh.

             

Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ hữu cơ trong sản xuất, chế biến, chọn tạo nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

             

Hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản.  Thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường.

             

Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà ngân hàng - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.

             

Xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý; chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, kết nối và liên thông hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho sản xuất.

             

Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn.  Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô. Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác.

             

Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp. Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu; hội nhập và hợp tác quốc tế.

Minh Khánh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới