Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai và đạt được những kết quả quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao; quy mô mạng lưới trường lớp được sắp xếp, củng cố; cơ chế chính sách được triển khai đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 399/597 trường đạt chuẩn quốc gia; nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn được quan tâm đào tạo, phát triển.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trong toàn tỉnh chưa qua đào tạo còn hơn 38,5%; nhất là thiếu lao động lành nghề, chuyên gia kỹ thuật giỏi, khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh của lao động còn yếu, năng suất lao động chưa cao; chính sách thu hút nhân tài còn nhiều bất cập, chưa thực sự hấp dẫn và thu hút người tài làm việc, gắn bó lâu dài. Việc hợp tác, gắn kết giữa cơ sở giáo dục, đào tạo với doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế; khả năng thu hút người lao động tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao; một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn phát triển. Khắc phục tình trạng đó, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp, người lao động và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể với các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan trong công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Huy động các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động.
Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, tập trung củng cố, phát triển mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông; đổi mới phương pháp dạy và học, gắn với đánh giá kết quả học tập, rèn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để đầu tư cho giáo dục. Từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục; cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo các cấp học.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo; kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở đào tạo. Phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sử dụng lao động; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường vai trò các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ, thi tuyển lãnh đạo quản lý; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung rà soát, thực hiện công tác đào tạo lại đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt chuẩn và thực hiện tinh giản biên chế.
Đẩy mạnh thông tin thị trường lao động; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động; đặc biệt là lao động vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu; tuyển chọn, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường có việc làm ổn định, phù hợp với trình độ, tay nghề đã được đào tạo. Quan tâm đào tạo, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, có giải pháp phù hợp để thông tin, hỗ trợ xuất khẩu lao động.
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nguồn nhân lực. Phân bổ và sử dụng hợp lý ngân sách nhà nước dành cho phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực. Vận động sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã; đào tạo một số ngành, nghề đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!