Ngày Quốc tế Lao động 1/5 bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ, trở thành ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930 - lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện Luật Lao động ngày làm việc 8 giờ.
.jpg)
Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn Nhân dân lao động.
Trong tiến trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn. Xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, luôn là lực lượng hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh. Nhất là, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế số hóa toàn cầu, giai cấp công nhân Việt Nam, người lao động đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, giữ vững vai trò tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát huy tinh thần bất diệt của Ngày quốc tế Lao động 1/5, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức công đoàn, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể công đoàn viên, người lao động đẩy mạnh đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng số và khả năng thích ứng với công nghệ mới. Theo đó, giai cấp công nhân và người lao động phải không ngừng học tập, sáng tạo, tích cực tham gia vào phong trào “bình dân học vụ số”, làm chủ công nghệ để trở thành những “chiến sỹ tiên phong” trong kỷ nguyên số hóa và trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt là phát huy tinh thần quyết tâm, các đoàn viên công đoàn, người lao động và nhân dân cả nước tích cực thi đua hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế và lực tăng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, cải thiện điều kiện sống, làm việc của công nhân, lao động; tôn vinh, thúc đẩy công nhân, lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp cận các xu hướng lao động hiện đại, thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế, chuẩn bị tâm thế giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp công đoàn, sự đồng hành của các doanh nghiệp và toàn xã hội, đội ngũ công nhân, lao động Sơn La tiếp tục nêu cao truyền thống cần cù, sáng tạo, ý chí vươn lên mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh to lớn, xây dựng quê hương phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!