Nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số

Thực hiện Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06), Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị đã tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn.

Các nền tảng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được mở rộng quy mô; các tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các huyện, thành phố tiếp tục hoạt động tích cực; bổ sung, hoàn chỉnh dữ liệu và cập nhật số liệu thường xuyên cho IOC tỉnh để phát huy các tính năng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó, việc phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số vẫn chưa đồng đều ở các cấp chính quyền. Hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa đạt yêu cầu. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh chưa đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số.

Năm 2023 và những năm tiếp theo, các cấp, các ngành, huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh quán triệt quan điểm chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và nhân dân trong toàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền; tổ chức tập huấn, hội thảo, hội thi tìm hiểu về chuyển đổi số. Mục tiêu đặt ra là chuyển đổi cơ bản hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành, báo cáo, kiểm tra của chính quyền các cấp trên môi trường mạng; thực hiện lập hồ sơ công việc điện tử và xây dựng kho lưu trữ điện tử của tỉnh. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, trong đó tập trung triển khai về kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và triển khai các dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh để phục vụ chuyển đổi số.

Nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở đồng bộ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất trong toàn tỉnh; liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành để phục vụ công tác tìm kiếm, tra cứu, xác thực thông tin, số hóa và tái sử dụng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Hưởng ứng năm dữ liệu số quốc gia, tập trung xây dựng mô hình quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, cổng dữ liệu mở tỉnh Sơn La trên cơ sở kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong toàn tỉnh. Triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh; trước hết triển khai, cung cấp một số dịch vụ thông minh trong hoạt động quản lý, điều hành, giám sát, khám bệnh, chữa bệnh, dạy học và học tập cho học sinh.

Triển khai nền tảng số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất; quảng cáo, mua bán sản phẩn trên sàn thương mại điện tử. Ứng dụng rộng rãi các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại, khám chữa bệnh, thu nộp lệ phí, học phí tại các đô thị và những nơi có đủ điều kiện về hạ tầng viễn thông; hỗ trợ người dân nộp, rút tiền mặt qua tài khoản điện tử tại một số nơi còn khó khăn về hạ tầng viễn thông.

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thực hiện giám sát không gian mạng, thường xuyên cảnh báo, hướng dẫn các phương pháp nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu độc, tin giả; bảo vệ thông tin cá nhân trên internet và mạng xã hội. Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản có điện lưới quốc gia thuộc vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng.

Tiếp tục quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn biết và hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số. Các cấp, các ngành, địa phương đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và phối hợp với các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số tại địa phương. Tăng cường chỉ đạo đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, các nhiệm vụ cấp thiết và thực hiện chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới