Bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh

Sơn La hiện có 669.797 ha đất có rừng; trong đó, 593.268,8 ha rừng tự nhiên, 76.528,2 ha rừng trồng. Những năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy, trình độ chuyên môn trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giọng nữ
Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh kiểm tra tại huyện Yên Châu.

Tuy nhiên, tại cơ sở những hành vi vi phạm quy định về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra. Công tác phối hợp, huy động lực lượng, trang thiết bị trong chữa cháy còn hạn chế, dẫn đến tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội và môi trường.

Hiện nay, đã bước vào mùa khô hanh, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương, chủ rừng chủ động triển khai kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR, hạn chế thấp nhất thiệt hại do phá rừng, cháy rừng gây ra.

Tổ chức tuyên truyền và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về tăng cường công tác PCCCR, các biện pháp quản lý bảo vệ rừng. Cảnh báo cháy rừng mùa khô, vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng”, nâng cao nhận thức người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR với các hộ gia đình sống trong và gần rừng; xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng và PCCCR của cộng đồng.

Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng; đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án.

Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với kết quả rà soát đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-UBND ngày 16/5/2024 đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Sơn La và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám trong việc phát hiện sớm các nguyên nhân biến động rừng, thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Hướng dẫn, đào tạo cán bộ chuyên sâu ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, dự báo, cảnh báo cháy rừng, mất rừng và suy thoái rừng.

Các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chủ rừng khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ xâm hại vào rừng cao. Tổ chức ra quân mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, đoàn thể chính trị xã hội và chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng. Ngưởi đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý. Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp dưới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp.

Với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, kiện toàn Ban chỉ huy và lực lượng PCCCR các cấp về phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương, phân công trực ban 24/24 giờ xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, chủ động phát hiện và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia khi có tình huống cháy rừng xảy ra.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới