Tư vấn pháp lý về Luật Hôn nhân và Gia đình

Câu hỏi tình huống 1: Trước khi đăng ký kết hôn, tôi được bố mẹ tặng cho một mảnh đất ở. Nay tôi làm thủ tục kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Tôi có thể chỉ đăng ký tên mình là người có quyền sử dụng đất hay phải đăng ký cả tên chồng tôi?

             

Trả lời:

             

Căn cứ tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

             

 1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

             

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 và Khoản 1 Điều 40 của Luật này.

             

Như vậy, trong trường hợp này, bố mẹ bạn tặng cho bạn mảnh đất này trước khi đăng ký kết hôn, thì đó là tài sản riêng của bạn. Bạn có quyền làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng riêng tên bạn và bạn có quyền nhập hay không nhập mảnh đất này vào tài sản chung.

             

Câu hỏi tình huống 2: Tôi năm nay 28 tuổi, quen và tổ chức đám cưới cùng chị A, nhưng chưa đăng ký kết hôn. Giữa tôi và chị A có 1 con chung, trong quá trình chung sống có nhiều mâu thuẫn, nên chúng tôi không cùng sống với nhau nữa. Khi tôi tìm hiểu người khác thì chị A quay sang quấy rối, lăng mạ và đe dọa. Tôi muốn đơn phương ly hôn, giải quyết thỏa thuận nuôi con giữa tôi và chị A thì thủ tục như thế nào?

             

Trả lời:

             

Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

             

Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 như sau:

             

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

             

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

             

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

             

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

             

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

             

Và khoản 1 Điều 9 quy định Đăng ký kết hôn: Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

             

Theo quy định pháp luật nêu trên, pháp luật chỉ công nhận quan hệ vợ chồng nếu như cả nam và nữ đủ điều kiện kết hôn, kết hôn tự nguyện và phải đi đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp việc kết hôn không được đăng ký thì không có giá trị pháp lý.

             

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã tổ chức đám cưới với chị A, tuy nhiên chưa đăng ký kết hôn, nên pháp luật không công nhận bạn và chị A là vợ chồng hợp pháp và không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

             

Khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

             

Bạn có yêu cầu ly hôn với chị A thì bạn nộp đơn ly hôn đến Tòa án quận (huyện) nơi chị A đang cư trú. Tòa án sẽ thụ lý và ra tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng và nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án sẽ giải quyết.

             

Về quyền trực tiếp nuôi dưỡng con: Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:

             

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

             

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

             

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

             

Như vậy, trong trường hợp có phát sinh quyền nuôi con thì hai bên có thể thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi dưỡng. Trường hợp không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trong đó con dưới 36 tháng tuổi sẽ ưu tiên giành quyền nuôi dưỡng cho người mẹ. Nếu con từ đủ 3 đến dưới 7 tuổi thì tòa sẽ xét khả năng về kinh tế và tinh thần của hai bên đảm bảo cho con để Tòa án quyết định ai được giành quyền trực tiếp nuôi dưỡng.

             

Duy Tuyên (Trung tâm TGPL)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới