Câu hỏi tình huống 1:
Tôi đi làm đến gần cơ quan thì bị tai nạn giao thông và được người dân đưa vào nhập viện, sau 5 ngày tôi được ra viện. Tuy nhiên, tôi không có biên bản tai nạn giao thông của bên Công an, xin hỏi tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
Trả lời tình huống:
Theo quy định tại Điều 45, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc, hoặc trong giờ làm việc mà Bộ Luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
- Ngoài nơi làm việc, hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
- Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
(2) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp kể trên;
(3) Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân sau:
- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên, trường hợp bạn bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, nếu sau khi điều trị mà bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên và không thuộc các trường hợp không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả (kể trên) thì bạn đủ điều kiện được hưởng chế độ tại nạn lao động theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 35, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động và các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động phải có nghĩa vụ hợp tác với Đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.
Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn điều tra một trong các giấy tờ sau đây:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;
- Biên bản điều tra tai nạn giao thông;
- Trường hợp không có các giấy tờ trên, thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.
Trường hợp của bạn không có biên bản tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông thì bạn (hoặc có thể nhờ người thân của bạn) làm đơn yêu cầu cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn xác nhận bằng văn bản về việc bạn bị tai nạn để làm căn cứ giải quyết chế độ tai nạn lao động cho bạn theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi tình huống 2:
Tôi lái xe mô tô bị xe ô tô của ông A đâm vào làm gãy tay. Công an xác định xe ô tô bị lỗi và có trách nhiệm bồi thường cho tôi. Xe là của ông A làm chủ, nhưng người lái xe gây tai nạn là con của ông A, đã đủ tuổi công dân. Xin hỏi trường hợp nay ai là người bồi thường, ông A hay con của ông A?
Trả lời tình huống:
Trường hợp này cần căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ việc để xác định trách nhiệm bồi thường cho bạn theo các nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại hay bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
* Thứ nhất, nếu thiệt hại xảy ra do hành vi trực tiếp của người lái xe (vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) và có lỗi của người điều khiển ô tô (tức là con của ông A - sau đây được gọi là B) thì B phải bồi thường thiệt hại cho bạn. Trong trường hợp B không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông (chưa đủ tuổi, không có bằng lái xe hợp lệ…) thì ông A là người có lỗi khi giao xe cho người khác sử dụng trái pháp luật và phải liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định về bồi thường thiệt hại thông thường.
* Thứ hai, nếu xác định thiệt hại xảy ra do chính chiếc xe ô tô gây ra (không liên quan đến hành vi trực tiếp của người điều khiển ô tô) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo quy định tại Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (ông A) phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật. Ông A phải bồi thường thiệt hại do chiếc xe ô tô gây ra kể cả trong trường hợp không có lỗi; do ông A đã giao cho B chiếm hữu, sử dụng thì B phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Tòng Minh (Trung tâm Trợ giúp pháp lý)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!