Câu hỏi tình huống: Người ăn trộm, ăn cắp (xe máy) đưa cho người khác bán lấy tiền thì người bán có bị phạm tội hay không và mức phạt như thế nào? Có 3 người liên quan tới vụ ăn cắp xe này, cụ thể: Anh Kha lấy trộm xe máy sirius và đưa cho anh Hà mang chiếc xe máy về nhà. Anh Kha đã nhờ anh Dũng mang xe đi bán được 12 triệu đồng. Theo thỏa thuận sau bán, số tiền bán xe được chia đều mỗi người 4 triệu đồng. Xin được tư vấn, trường hợp trên anh Dũng có bị cấu thành tội danh và nếu có thì mức xử lý sẽ như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp thứ nhất, việc anh Dũng mang xe đi bán là do có bàn bạc, thoả thuận trước với anh Kha và anh Hà thì hành vi của anh Dũng cấu thành tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm.
Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
“Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành".
Và tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
...”
Trường hợp thứ hai, anh Dũng hoàn toàn không biết đến kế hoạch trộm cắp tài sản, không hứa hẹn trước nhưng đã thực hiện việc tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tại Điều 323 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 - 300 triệu đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20 đến dưới 100 triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300 đến dưới 1 tỷ đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 300 triệu đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy căn cứ vào kết quả điều tra và các tình tiết liên quan đến vụ án, Toà án sẽ xác định tội danh đối với người phạm tội. Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào những tình tiết tăng nặng, tình thiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt cho các bị cáo.
Tòng Minh (Trung tâm TGPL)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!