Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề cho cán bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín tại 8 xã huyện Sốp Cộp, Thuận Châu, Mai Sơn. Tại các hội nghị, báo cáo viên của Trung tâm đã thông tin về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2027; chính sách TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Luật Hôn nhân và Gia đình; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người…
Anh Mùa A Chứ, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, cho hay: Với các nội dung thông tin của báo cáo viên đã giúp tôi cập nhật, bổ sung một số kiến thức phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở đến với đồng bào.
Ông Tòng Văn Sơn, Trưởng bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, chia sẻ: Được tham dự hội nghị, giúp chúng tôi nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu thêm về chính sách TGPL của Nhà nước. Nắm bắt các nội dung được tập huấn, tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đảm bảo việc triển khai nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Quyết định số 1719), ngay từ đầu năm, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức TGPL cho công chức cấp xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người có liên quan tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các huyện, thành phố. Năm 2024, Trung tâm phân công 6 viên chức là báo cáo viên pháp luật làm trưởng đoàn thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý được 22 đợt tại 82 bản đặc biệt khó khăn, với 4.385 người tham dự; phát miễn phí 25.410 tờ gấp pháp luật cho người dân để tự nghiên cứu, tìm hiểu. Qua triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý tại cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận, thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 9 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức TGPL cho công chức cấp xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người có liên quan tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719 trên địa bàn huyện Phù Yên, Bắc Yên, Thuận Châu, Sông Mã, Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, với 1.256 người tham gia; phát 1.256 bộ tài liệu tập huấn, 2.015 sổ tay trợ giúp pháp lý; phát 47.850 tờ gấp pháp luật có nội dung “Quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người dân tộc thiểu số”, “Người được trợ giúp pháp lý”, “Chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính”, cho đại biểu tham dự tự nghiên cứu, nâng cao khả năng giải thích về TGPL cho nhân dân tại cơ sở.
Ông Tòng Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, thông tin: Chuẩn bị cho mỗi buổi truyền thông đạt hiệu quả, bảo đảm đúng đối tượng, địa bàn, Trung tâm TGPL đã gửi công văn gửi đến UBND huyện chỉ đạo phòng tư pháp, UBND các xã thuộc chương trình phối hợp với đoàn công tác, bố trí địa điểm, thời gian thực hiện truyền thông về TGPL. Quá trình truyền thông, Trung tâm thực hiện bằng cả tiếng phổ thông, tiếng dân tộc tại bản đặc biệt khó khăn để người dân biết và tiếp cận TGPL miễn phí. Việc tổ chức truyền thông TGPL tại cơ sở giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiểu thêm về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý theo Quyết định 1719 còn gặp nhiều khó khăn. Một phần do cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ công tác thực hiện trợ giúp pháp lý còn thiếu, không đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn; trình độ nhận thức của người dân không đồng đều nên việc chuyển tải, cũng như việc tiếp cận, cập nhật các kiến thức pháp luật còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí. Khắc phục khó khăn trên, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục đổi mới hình thức truyền thông; tăng cường trợ giúp lưu động; đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Tổ chức các chuyên đề về TGPL kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đảm bảo quyền công dân trong tiếp cận và bình đẳng trước pháp luật, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Việc tổ chức các hoạt động truyền thông theo Quyết định 1719 tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ TGPL của Nhà nước. Qua đó, từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!