Hiệu quả từ điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, điểm trưng bày, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và các sản phẩm OCOP tại Bảo tàng tỉnh đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có thêm điều kiện giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất phát triển.

 

Điểm trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và các sản phẩm OCOP tại Bảo tàng tỉnh.

 

Được giao phụ trách điểm trưng bày, chị Cầm Hồng Hạnh, cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, thông tin: Đưa vào hoạt động tháng 6/2020, với quy mô 2 gian hàng tại Bảo tàng tỉnh. Những kệ hàng được bố trí khoa học, chia theo từng nhóm hàng, mặt hàng thuận tiện cho du khách tham quan. Đến thời điểm này, có trên 80 sản phẩm, gồm chè, cà phê, hoa quả sấy, mứt và các loại siro... của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại đây.

Đến lựa chọn mua sản phẩm, chị Nguyễn Thị Nhung, xã Cò Nòi (Mai Sơn), nói: Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, gia đình tôi đi tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh. Tôi bất ngờ, thấy quầy hàng trưng bày có rất nhiều loại nông sản phong phú, đa dạng, chất lượng. Tôi đã mua hồng, xoài sấy dẻo, miến dong Kim Sơn và một số sản phẩm thủ công. Các sản phẩm trưng bày rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng được kiểm định, hơn nữa nguyên liệu chế biến 100% của nông dân địa phương làm ra, tôi rất yên tâm.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Điểm trưng bày không chỉ giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và các sản phẩm OCOP, mà còn giúp chúng tôi quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh thông qua việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm. Đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh quản lý, giới thiệu, bán hàng thường xuyên. Đặc biệt, phối hợp tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh về điểm trưng bày.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lừ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết: Sau giãn cách, điểm trưng bày bắt đầu thu hút du khách. Trung tâm đã phối hợp thông tin sản phẩm, số điện thoại của đơn vị sản xuất niêm yết tại điểm trưng bày để  khách hàng liên hệ đặt hàng với đơn vị sản xuất. Giá bán các sản phẩm tại điểm Trưng bày là giá bán niêm yết của nhà sản xuất, lượng hàng tiêu thụ khá lớn, có ngày điểm trưng bày bán được 15 triệu đồng tiền hàng và nhận được vài chục đơn đặt hàng từ các tỉnh trong cả nước thông qua điện thoại kết nối liên hệ với nhà sản xuất để liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Là một trong số những đơn vị có sản phẩm trưng bày tại điểm giới thiệu, ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty TNHH Kiên Sơn, tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Năm 2021, sản phẩm miến dong Kiên Sơn đạt sản phẩm CNNTTB quốc gia. Trước đó, sản phẩm được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại điểm trưng bày, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh và các sản phẩm OCOP tại Bảo tàng tỉnh. Thông qua điểm trưng bày, đã giúp nhiều khách hàng ngoại tỉnh, nhà hàng liên hệ đặt hàng mà không phải đóng phí chi trả cho điểm hỗ trợ và nhân viên bán hàng. Trung bình mỗi tháng điểm trưng bày đã giúp Công ty tiêu thụ vài tạ miến dong và liên kết khách hàng đặt mua giúp 3-4 tấn/tháng.

Điểm nổi bật tại nơi trưng bày đó là ngoài sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gian hàng còn có thêm cả sản phẩm OCOP và các đồ thủ công, mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống tạo sự đa dạng, phong phú cho điểm Trưng bày. Đây chính là điểm nhấn và sự khác biệt so với hầu hết các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh. Chỉ cần đến điểm trưng bày tại Bảo tàng tỉnh du khách có thể thăm quan và lựa chọn được những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, thủ công truyền thống, chất lượng của tỉnh Sơn La.

Với hiệu quả điểm trưng bày mang lại, mong rằng thời gian tới mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các khu, điểm du lịch và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tạo liên kết thương mại giữa các nhà sản xuất với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; thu hút các đối tác, doanh nghiệp quan tâm hợp tác đầu tư tại tỉnh Sơn La.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới