Công tác thu hút đầu tư của tỉnh Sơn La những năm gần đây đang có nhiều khởi sắc, huy động được nguồn lực của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đang được khai thác, tạo nhiều việc làm, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dây chuyền sản xuất tự động tại Nhà máy gạch Mường Bon (Mai Sơn).
Ảnh: Ngọc Thuấn
Quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư
Trao đổi về công tác thu hút đầu tư, ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt; tham gia các Ban chỉ đạo, Tổ công tác của tỉnh để lãnh đạo chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, các nhà đầu tư tiềm năng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên đôn đốc tiến độ, giải quyết khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai hoạt động nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất triển khai dự án. Phối hợp hỗ trợ, giới thiệu nhà đầu tư tìm hiểu các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát, tổ chức công bố danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 để mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, đăng ký đầu tư.
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, thực hiện các nội dung hỗ trợ, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của HĐND tỉnh), thực hiện các nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng đến các nhà máy chế biến (Nhà máy chế biến của Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Phúc Sinh, ICfood...). Chỉ đạo rà soát, lập các quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) để thuận lợi cho công tác đánh giá, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành đều tổ chức đối thoại định kì với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt khó khăn, kiến nghị, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại tỉnh nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Sơn La.
Sức hút đầu tư
Từ các hoạt động xúc tiến đầu tư, hiệu ứng tích cực của các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã thực hiện, nhiều dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo thu nhập, việc làm cho nhân dân. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Sơn La đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 375 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 25.790 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2016-2020. Cơ cấu vốn chuyển dịch theo hướng tích cực, nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước có xu hướng chiếm tỷ trọng cao và tăng nhanh qua các năm. Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm phần lớn về số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký ban đầu với 85 dự án với tổng vốn đăng ký 5.891,5 tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn đầu tư của cả giai đoạn; nông lâm nghiệp; chế biến nông lâm sản có 64 dự án với tổng vốn đăng ký ban đầu 5.833,5 tỷ đồng và lĩnh vực thủy điện thu hút 20 dự án với tổng vốn đăng ký ban đầu 7.274 tỷ đồng, chiếm 33% tổng vốn đầu tư.
Chuyên gia Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hướng dẫn nông dân xã Chiềng Sung (Mai Sơn)
phát triển vùng nguyên liệu chanh leo.
Một trong những nhà đầu tư lớn trên lĩnh vực nông sản vào tỉnh ta là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình). Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao: Chúng tôi đã tiếp cận vùng nguyên liệu nông sản của Sơn La từ năm 2014, tiêu thụ hàng nghìn tấn các loại quả mỗi năm cho nông dân. Khi Sơn La nổi lên là địa phương phát triển mạnh cây ăn quả, cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, Công ty đã quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm chế biến rau, quả DOVECO quy mô 8,8ha tại huyện Mai Sơn, dự kiến hoàn thành tháng 12 năm nay. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu hơn 4.000 ha dứa, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương... Dự án đang được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hỗ trợ triển khai, nông dân đồng thuận hưởng ứng tham gia. Đây là dự án lớn hứa hẹn sẽ mang hiệu quả tích cực, không những giúp nông dân đưa cây trồng kinh tế cao vào sản xuất, đảm bảo đầu ra sản phẩm, mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động vào làm công nhân.
Cải thiện môi trường, thu hút đầu tư
Để tạo thêm động lực cho công tác thu hút đầu tư, ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Sơn La tiếp tục tập trung cao cho hệ thống hạ tầng (đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (dự kiến khởi công năm 2021); hệ thống đường đến trung tâm xã, hạ tầng Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, hệ thống hồ chứa phục vụ phát triển nông nghiệp); tiếp tục thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về hạ tầng và các cơ chế chính sách đối với các dự án thu hút đầu tư theo quy định của Chính phủ và đặc thù địa phương.
Phối cảnh Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La tại xã Hát Lót (Mai Sơn).
Về định hướng, thu hút các dự án trọng điểm gắn với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo hướng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có thương hiệu và năng lực tài chính vào lĩnh vực chủ lực của tỉnh. Lĩnh vực nông nghiệp: Ưu tiên thu hút đầu tư đối với các dự án phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh cao của sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển cây nông nghiệp theo quy mô tập trung phục vụ vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản, công nghiệp sạch, nhằm phát huy lợi thế về vùng nguyên liệu cây ăn quả lớn thứ hai cả nước, với hơn 80.500 ha, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Duy trì khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo thủy điện, phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió theo hướng bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, phát triển công nghiệp tập trung trong khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp Vân Hồ, khu công nghiệp Mai Sơn và cụm công nghiệp các huyện, thành phố.
Trong hoạt động thương mại, du lịch dịch vụ, Sơn La định hướng tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu và 2 lòng hồ lớn (hồ thủy điện Hòa Bình, lòng hồ thủy điện Sơn La) cùng hệ thống hồ chứa của các thủy điện nhỏ khoảng 22.000 ha có thể phát triển dịch vụ du lịch vùng lòng hồ, phát triển du lịch văn hóa dân tộc...
Với định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, hấp dẫn; quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương đồng hành với doanh nghiệp, Sơn La phấn đấu thực sự là nơi “đất lành” đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!