TỪ NHÀ TÙ SƠN LA TỚI HỘI NGHỊ PARI • Kỳ 4: Tư duy sắc sảo, “biết người, biết ta”

Đầu tháng 10/1972, khi đàm phán ở Paris đi vào thực chất, biết tin Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch với vai trò Trợ lý sẽ cùng đi với Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ sang Paris, ông Phan Hiền - cố vấn pháp lý của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Bộ trưởng Tư pháp) đã thông báo với các thành viên trong Đoàn: “Chuyến này có Pélé cùng sang”[1]. 

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch có duyên phận với ngoại giao chuyên nghiệp từ 1954 với cương vị Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, là Tổng Lãnh sự nước Việt Nam Dân chủ Công hòa tại Cộng hòa Ấn Độ (1956-1960), được cử giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao từ tháng 08/1960 và từ 1964 là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách công tác chống Mỹ. Ông rất coi trọng vấn đề phương pháp luận nghiên cứu quan hệ quốc tế trong đó có phương pháp tìm hiểu tư duy chiến lược, cách nghĩ và cách đi các nước cờ của đối phương. Năm 1965, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, “Tiểu ban Việt Nam” đã được thành lập gồm một số cán bộ “tinh hoa” được lựa chọn kỹ càng để chuyên nghiên cứu các vấn đề ngoại giao và đối ngoại phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo đánh và đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các thành viên nòng cốt của Tiểu ban gồm các đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Phan Hiền và một số cấp vụ khác. Một trong những thành quả nghiên cứu quan trọng đầu tiên của Tiểu ban này là đã góp phần hình thành nên những định hướng lớn về “Mặt trận Ngoại giao” như đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương khóa III ngày 26/01/1967.

Cuối năm 1967, “Tiểu ban Việt Nam” được tăng cường thêm một số “tinh hoa” khác trong Bộ và được gọi là Vụ II do Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch phụ trách. Trong các tổ của Vụ II, có Tổ “Bước đi” do đồng chí Đinh Nho Liêm làm Tổ trưởng, còn Tổ trưởng Tổ “Giải pháp” là đồng chí Võ Văn Sung. Vụ II “tinh hoa” được sắp xếp và tổ chức làm việc 24/24 giờ.

Đầu năm 1971, Vụ II được bổ sung thêm một số cấp vụ và chuyên viên và được đổi thành CP-50 do Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chủ trì và Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo trực tiếp. Khi đồng chí Lê Đức Thọ về Hà Nội thì cùng với đồng chí Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo đơn vị đặc biệt này. CP-50 có nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược và sách lược đàm phán, kiến nghị với lãnh đạo Bộ để trình Bộ Chính trị các chủ trương đàm phán, từng bước thăm dò, thương lượng về nội dung nói chuyện với Mỹ. Các sản phẩm nghiên cứu của Vụ II sau là CP-50 sau khi hoàn thành đều được lãnh đạo Bộ báo cáo trực tiếp hoặc gửi cho các đồng chí lãnh đạo: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh để xin ý kiến góp ý và chỉ đạo cụ thể.

CP-50 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Có Thạch là cơ quan tham mưu chiến lược, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, kết hợp tối đa phát huy trí tuệ sáng tạo, linh hoạt của các thành viên với trí tuệ tập thể. Trong số các sản phẩm “chiến lược” của Vụ II sau là CP-50 có: Giải pháp toàn bộ 10 điểm ngày 08/05/1969 của Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, 8 điểm nói rõ thêm ngày 17/09/1970 của Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, lập trường 7 điểm ngày 01/07/1971, Kế hoạch 9 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 26/06/1971..., và bản “Dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” mà Cố vấn Lê Đức Thọ đã gửi cho Cố vấn An ninh Quốc gia - Tiến sỹ Henry Kissinger ngày 08/10/1972.

Với trọng trách phụ trách công tác chống Mỹ của Bộ Ngoại giao, phụ trách Vụ II và sau là CP-50, chủ trì biên soạn Dự thảo Hiệp định Paris, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã nắm vững các vấn đề đàm phán một cách có hệ thống, lôgic và minh bạch. Vì vậy, khi chuyển từ “sân nhà” sang “sân quốc tế” ở Paris, với vai trò là Trợ lý cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện là một nhà ngoại giao có tầm tư duy sắc sảo, “biết địch, biết ta”, đã đưa ra những gợi ý và ý kiến xác đáng trong các cuộc đàm phán riêng về Dự thảo Hiệp định và dàn xếp các thỏa thuận...

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ Trợ lý cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn phải hoàn thành sứ mệnh Trưởng nhóm chuyên viên gồm các chuyên gia tiến hành đàm phán với Trưởng nhóm chuyên viên Mỹ William Sullivan (Phó Trưởng đoàn Mỹ, Trợ lý của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Tiến sỹ Henry Kissinger) về bốn Nghị định thư và tám hiểu biết kèm theo. Cuộc đàm phán này cũng đã diễn ra căng thẳng và kéo dài không kém so với cuộc đấu tranh giữa hai bên về dự thảo hiệp định. Sau khi đạt được thỏa thuận chung giữa hai nhóm thì còn phải đưa ra báo cáo trước cuộc họp cấp cao để có quyết định cuối cùng. Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện là một nhà ngoại giao tài ba và khôn khéo khiến đối phương phải “tâm phục, khẩu phục”. Có lần Đại sứ William Sullivan đã phải thừa nhận: “Ông Thạch là một nhà thương lượng khó khăn nhất mà tôi chưa từng gặp phải trong đời ngoại giao của tôi”[2]. Khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu không chịu thi hành Hiệp định Paris, tháng 05/1973, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lại tháp tùng cựu Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ sang Paris thương lượng với Cố vấn An ninh Quốc gia - Tiến sỹ Henry Kissinger và hai bên đã ký Thông cáo chung thúc đẩy thi hành Hiệp định: ngừng bắn ngay lập tức, thả tù chính trị và thực hiện tự do dân chủ.

Theo thành viên đoàn đám phán Trần Quang Cơ (sau là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao), sở dĩ đồng chí Nguyễn Cơ Thạch có được sự minh mẫn sắc bén, nhìn xa trong rộng trong phân tích tình hình và trong xử lý các tình huống phức tạp là vì đồng chí đã tự trang bị cho mình một phương pháp luận đúng đắn, một phong cách làm việc khoa học và nghiêm túc, một tinh thần làm việc không mệt mỏi, có ý thức thường xuyên tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận và hiểu biết về đối ngoại. Đồng chí luôn biết kết hợp giữa phát huy tối đa trí tuệ cá nhân sáng tạo với trí tuệ tập thể để không ngừng nâng cao chất lượng công việc; đồng thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngày một trưởng thành[3].

Thay lời kết

Nếu Công sứ Cútxô còn sống khi đó, chắc ông ta sẽ bàng hoàng và ngạc nhiên khi biết ba cựu tù chính trị cộng sản Sơn La: Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Xuân Thủy và Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch), mà ông ta đã từng hành hạ dã man ở Nhà tù Sơn La, lại cùng có mặt ở Paris vào thời khắc lịch sử vô tiền khoáng hậu này. Giờ đây, họ lại cùng nhau kề vai sát cánh không phải để đấu tranh với thực dân Pháp, mà để đàm phán cam go với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Tiến sỹ Henry Kissinger cùng các cộng sự ở Thủ đô Paris tráng lệ. Con đường của “bộ ba” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy - Nguyễn Cơ Thạch từ nhà tù Sơn La tới Paris quả là con đường huyền thoại!

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973 đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, ta đã thực hiện được nhiệm vụ chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam. Trong thắng lợi vẻ vang ấy, có dấu ấn vô cùng sâu sắc của ba cựu tù chính trị đặc biệt của Nhà tù Sơn La . /.

TS Nguyễn Đình Luân - Nguyên Thư ký Hội đồng Khoa học Bộ Ngoại giao

 

 

[1] Hội nghị Paris: Bộ đôi nòng cốt Nguyễn Cơ Thạch-William Sullivan, TTĐN Đối ngoại, 27/12/2022, ttđn.vn

[2] Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Nxb CTQG, HN, 2003, tr.97

[3] Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Nxb CTQG, HN, 2003, tr.90-91

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới