Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968 - 1973), ngoài các cuộc đàm phán công khai, gồm đại diện bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Cộng hòa (chính quyền ngụy quyền Sài Gòn); còn có các cuộc gặp riêng hết sức quan trọng diễn ra giữa Cố vấn đặc biệt của Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy - Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Công hòa tại Hội nghị Paris, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch với Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ - Tiến sỹ Henrry Kissinger. “Bộ ba” Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) - Xuân Thủy - Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) đã phối hợp rất nhịp nhàng và hiệu quả, đóng góp to lớn vào thắng lợi của Hiệp định Paris. Đặc biệt, cả ba ông đều là cựu tù chính trị cộng sản bị giam giữ ở nhà tù Sơn La thời thực dân Pháp.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Nhà tù Sơn La là nhà tù tàn khốc ở vùng khí hậu khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc, sốt rét bủa vây mà thực dân Pháp đã dày công xây dựng để đày đọa dã man nhằm khuất phục các chiến sỹ cộng sản. Sau lần đầu bị tù đày (1931-1936) ở nhà tù Côn Đảo, vào cuối năm 1940, đồng chí Phan Đình Khải lại bị đày lên nhà tù Sơn La; còn đồng chí Xuân Thủy thì bị đưa lên giam cầm ở đây lần thứ hai năm 1941. Vào tháng 5/1941, trước sinh nhật ít ngày, đồng chí Phạm Văn Cương đã bị Công sứ Cútxô đánh cho một trận bò lê bò càng chỉ vì không kéo đủ 13 xe nước từ chân dốc lên nhà tù ở đỉnh dốc trong một buổi chiều. Ngày 13/ 5/1941, ở đây đã bắt đầu diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm phản đối Công xứ Cútxô đang đày ải 4 tù chính trị cộng sản dưới hầm tối. Cútxô đã đàn áp dã man bằng cách đưa 156 tù chính trị cộng sản xuống hầm tối - nơi chỉ có thể biệt giam 11 người. Cuộc đấu tranh tuyệt thực kéo dài 12 ngày ở nhà tù Sơn La là cuộc đấu tranh gian khổ và oanh liệt nhất trong các nhà tù thực dân Pháp thời ấy.

Nơi thực dân Pháp giam giữ các chiến sỹ cộng sản yêu nước.
Gian truân khổ ải cùng cực là vậy, nhưng các chiến sỹ cộng sản ở nhà tù Sơn La luôn lạc quan tin tưởng. Phan Đình Khải vẫn viết những vần thơ trữ tình: “Gió xuân ghẹo mảnh áo chàm/ Của cô sơn nữ qua làn suối trong”. Bất chợt trông thấy hoa thủy tiên trên đường đi làm lao công ở nhà tù Sơn La, tâm hồn ông rung động: “Bâng khuâng như nhớ giai nhân/ Gặp nhau ở một ngày xuân qua rồi...”
Vào thời gian đó, đồng chí Tô Hiệu là Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La bị ho lao nặng nên được giam riêng do sự đấu tranh của tù chính trị cộng sản. Đồng chí Phan Đình Khải là Chi ủy viên phụ trách thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và đào tạo cán bộ của Chi bộ thường tới gặp đồng chí Tô Hiệu để chăm sóc (hai đồng chí ở cùng một chi bộ tù ở nhà tù Côn Đảo trước đó), trao đổi và nhận ý kiến chỉ đạo đấu tranh cùng tài liệu học tập cho Chi bộ do đồng chí Tô Hiệu soạn thảo. Phong trào học tập lịch sử và lý luận trong Nhà tù Sơn La do Chi bộ chỉ đạo bài bản và nề nếp. Ban chi ủy đã phân công một số đồng chí biên soạn tài liệu học tập cho Chi bộ và tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho anh em. Ngoài các lớp chính trị - lý luận, còn có các lớp văn hóa và ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Thái...
Đã bị lưu đày ở các nhà tù Hòa Lò, Sơn La và Côn Đảo, trong hồi ức của mình, Đại tướng Công an Mai Chí Thọ cho rằng: “Nhà tù Sơn La là trường Đại học cách mạng có quy củ nhất so với tất cả các nhà tù mà tôi đã đi qua”[1]. Nhờ trường đại học này mà nhiều đồng chí cựu tù chính trị Sơn La sau này đã trưởng thành và trở thành những cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng và Nhà nước trong đó có “bộ ba” Phan Đình Khải - Xuân Thủy - Phạm Văn Cương.

Đầu năm 1943, trong số tù nhân mà thực dân Pháp chuyển từ Nhà Đày Sơn La xuống nhà tù Hòa Bình để chờ chuyển đi Côn Đảo có hai đồng chí Phan Đình Khải và Phạm Văn Cương. Đồng chí Phan Đình Khải được Chi ủy chi bộ nhà tù Sơn La chỉ định làm Bí thư chi bộ nhà tù Hòa Bình. Qua một thời gian tiếp tục rèn luyện và thử thách tại chi bộ nhà tù Hòa Bình, đồng chí Phạm Văn Cương đã được kết nạp vào Đảng.
Đầu năm 1944, khi gặp đồng chí Phan Đình Khải lần đầu ở một cơ sở bí mật gần nhà tù Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Đức Lân (Bình Phương- sau là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương) đã cảm nhận: “Anh là con người hiểu rất rõ về tình hình trong nước và quốc tế lúc đó. Anh rất nhạy cảm, đặc biệt là về nhu cầu cán bộ để tăng cường cho phong trào cách mạng đang sôi sục”[2]. Tháng 9/1944, đồng chí Phan Đình Khải được ra tù và được đón lên An toàn khu của Trung ương ở Đông Anh, Hà Nội, đổi họ tên là Lê Đức Thọ để hoạt động bí mật. Tháng 10/1944, đồng chí Lê Đức Thọ được chỉ định là Ủy viên Trung ương Đảng - phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ. Tháng 8/1945, tại Hội nghị công tác cán bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, Thái Nguyên, đồng chí Lê Đức Thọ được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Trung ương. Giai đoạn 1949-1954, đồng chí công tác ở Nam Bộ với các chức vụ Phó Bí thư Xứ ủy và Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1952-1954). Từ 1955, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Tháng 2/1968, đồng chí được Bộ Chính trị và Bác Hồ cử vào chiến trường làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam và tới tháng 5/1968, Bác Hồ đã gửi thư đề nghị Bộ Chính trị điều đồng chí ra Hà Nội để sang Paris nói chuyện với phía Mỹ với chức danh Cố vấn đặc biệt Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[3].
Đầu năm 1944, đồng chí Xuân Thủy được chuyển từ nhà tù Sơn La về quê để quản thúc. Đồng chí trở lại hoạt động cách mạng trong phong trào Việt Minh, làm Chủ nhiệm báo “Cứu Quốc” của Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí liên tục là Đại biểu quốc hội từ khóa I (1946) tới khi mất (1985), là Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1951-1963). Đồng chí được bầu làm Ủy viên Dự khuyết BCHTW năm 1955, là Ủy viên Chính thức BCHTW năm 1960 và được bầu vào Ban Bí thư từ 1968. Từ 1963-1965, đồng chí được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm 1968 đồng chí được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử giữ chức Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris.
Đầu năm 1945, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch ra tù và tháng 8/1945, tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Nam Định. Từ 9/1945 tới 1953, đồng chí công tác ở Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Đông và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III. Năm 1954, đồng chí được điều về làm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao và từ đây chuẩn bị hành trình tới Paris.
TS Nguyễn Đình Luân - Nguyên Thư ký Hội đồng Khoa học Bộ Ngoại giao
[1] Chi bộ nhà tù Sơn La - Giá trị lịch sử và hiện thực, Nxb CTQG-ST, HN, 2020, tr. 374.
[2] Lê Đức Thọ Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 128
[3] Lê Đức Thọ- Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 18-21
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!