Năm 2010, phát biểu tại một cuộc Hội thảo ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tiến sỹ Henry Kissinger đã thừa nhận: “Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng những con dao rất nhọn với tay nghề của một nhà phẫu thuật”[1]! 40 năm trước - ngày 21/02/1970, trong lần đầu gặp nhau, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Tiến sỹ Henry Kissinger đã chú ý tới chiếc nhẫn ánh kim trắng sáng trên tay Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ: “Có phải trên tay ông là chiến lợi phẩm của các ông, F105 đúng không?” “Đúng, ông tinh mắt đấy”! Rồi cả hai cùng cười.
Trước khi sang Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã đề nghị Văn phòng liên hệ với bộ phận chức năng của Bộ Quốc phòng nhờ làm cho đồng chí một chiếc nhẫn có khắc “F105” và một chiếc lược chải đầu từ mảnh máy bay “Thần sét” F105. Sau khi xem mẫu lần đầu, đồng chí Lê Đức Thọ đã yêu cầu chỉnh lại mặt nhẫn sao cho đủ rộng để khắc thật rõ nét “F105”. Đó là một thông điệp tinh tế và hàm xúc về niềm tin tất thắng mà Cố vấn đã khẳng định ngay trong lần gặp đầu: “Không phải chúng tôi không có hy sinh mất mát lớn và cũng có nhiều gian khổ nhưng chúng tôi đã thắng... Các ông đã dọa chúng tôi nhiều rồi. Chúng tôi đã đánh với các ông bao nhiêu năm, ông biết rồi. Dù các ông có tiếp tục chiến tranh như thế nào nữa thì cũng không thay đổi được chiều hướng cuộc chiến tranh này”[2].
Vốn là một chính khách nổi tiếng về các chiêu trò lật lọng và xảo thuật “gài bẫy” đối phương, nên ngay trong lần đầu ấy, Tiến sỹ Henry Kissinger đã phát biểu lắt léo kéo dài 55 phút mà ông tự khoe đó là thói quen của Giáo sư Harvad! Nhưng Cố vấn Lê Đức Thọ đã “mổ xẻ” chỉ ra 4 lần Mỹ đánh giá sai về cục diện chiến trường ở miền Nam và yêu cầu: “Muốn tạo điều kiện để giải quyết vấn đề thì phải thành thật”. Sau này, Tiến sỹ Henry Kissinger buộc phải chấp nhận “Hà Nội đã ghi một bàn thắng” ngay trong cuộc gặp đầu tiên[3].
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình: “Là người lãnh đạo cao nhất của ta trong đàm phán, lại là người có bản lĩnh vững vàng, có tính quyết đoán cao, nhưng Lê Đức Thọ không bao giờ võ đoán. Làm việc gì, nhất là việc đưa ra những quyết định quan trọng, anh đều bắt đầu bằng việc phân tích tỉ mỉ tình hình, rút ra những kết luận cần thiết rồi xử lý một cách linh hoạt”[4]. Trong các cuộc đấu trí và đấu lý với Tiến sỹ Henry Kissinger, Cố vấn đã “mổ xẻ” chiến lược và chiến thuật của Mỹ, buộc Tiến sỹ phải thừa nhận “sự phân tích của Lê Đức Thọ về chiến lược của Hoa Kỳ là đúng và khôn ngoan”. Tiến sỹ Henry Kissinger cũng không chịu nổi và thậm chí còn thốt lên: “Tôi biết rồi, Ngài không phải nói”, khi Cố vấn Lê Đức Thọ phân tích khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của Mỹ[5]. Có lần Tiến sỹ còn ca thán: “Các ngài cứ theo chiến thuật đưa ra đòi hỏi của mình rồi phê phán trả lời của chúng tôi như kiểm tra một thí sinh vào vấn đáp”[6].
Biết Cố vấn Lê Đức Thọ hơn mình tới 12 tuổi và đã có gần 11 năm bị tù đày lao khổ, nên Tiến sỹ Henry Kissinger thường vòng vo buổi sáng và kéo dài đàm phán tới chiều tối. Có cuộc bắt đầu từ 9g30 sáng tới 2 giờ đêm hôm sau, nhưng vẫn không tránh được những ca “mổ xẻ” tinh xảo. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự - nguyên chuyên viên quân sự ở Paris, “Vấn đề không rút quân miền Bắc là vấn đề phức tạp và khó khăn nhất. Đồng chí Lê Đức Thọ đứng mũi chịu sào về vấn đề này... Sự chuẩn bị của cơ quan chỉ giúp được phần nào, bản thân đồng chí Lê Đức Thọ phải lao tâm khổ lực tìm hiểu con người Kissinger, chuẩn bị từ ý tứ đến câu chữ sao cho đối phương thấy rõ quyết tâm của ta là dứt khoát không có chuyện rút quân về miền Bắc... Sự kiên trì và khôn khéo của đồng chí Lê Đức Thọ đã từng bước lay chuyển Kissinger, từ đòi rút toàn bộ quân miền Bắc, đến chỉ đòi rút quân chủ lực từ miền Bắc vào tham gia cuộc tấn công năm 1972, rồi chỉ đòi ngừng tiếp tế cho quân ở miền Nam và cuối cùng không còn nêu vấn đề rút quân miền Bắc!”[7]
Khi Mỹ tìm cách “đi đêm” với Trung Quốc và Liên Xô để ép ta, Cố vấn Lê Đức Thọ đã cảnh báo Tiến sỹ Henry Kissinger: “Trong một ván cờ, quyết định thắng bại phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi”[8]. Vào tháng 2/1972, ngay sau khi Tổng thống Mỹ R. Nixon tới Bắc Kinh được một ngày, đồng chí Lê Đức Thọ khi đó đang ở Hà Nội đã tới thăm “Triển lãm điêu khắc dân gian Việt Nam” ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi chăm chú xem các phòng trưng bày điêu khắc gỗ thế kỷ XVI, XVII, XVIII, đồng chí đã căn dặn Viện Bảo tàng giữ gìn tốt các di sản văn hóa dân tộc và phát biểu: “Những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian trưng bày ở đây thể hiện phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta mà ngày nay chúng ta đang kế thừa và phát huy đến mức độ cao: trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phải chiến đấu quyết liệt với một tên đế quốc hung bạo nhất là đế quốc Mỹ, nhân dân ta luôn giữ vững một phong thái bình tĩnh, lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng”[9]. Đó cũng là một cách “mổ xẻ” đối phương bằng “dao nhọn” tinh hoa văn hóa dân tộc!
Tròn một năm sau, tháng 2/1973, Tiến sỹ Henry Kissinger đã tới Hà Nội. Đồng chí Lê Đức Thọ đã đón tiếp và đưa Tiến sỹ tới thăm Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Không biết ngẫu nhiên hay chủ ý mà Tiến sỹ đã dừng lại khá lâu ở các phòng trưng bày điêu khắc gỗ thế kỷ XVI, XVII, XVIII và sau khi nghe lời dịch bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà...”, Tiến sỹ đã thốt lên “Vâng, nội dung bài thơ chính là Điều 1 Chương I của Hiệp định Paris vừa ký kết!” Bằng chất giọng trầm điềm tĩnh, đồng chí Lê Đức Thọ đã đọc lại bài thơ “Thần”. Khi âm thanh cuối cùng vừa dứt thì Tiến sỹ Henry Kissinger đã cảm thán: “Bây giờ tôi mới hiểu thảo nào trong đàm phán, ngài từng đã khăng khăng và nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu trả lời khi bàn về quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam”. Còn sau khi nghe giới thiệu ba lần dân tộc Việt Nam đánh thắng giặc Nguyên Mông thì Tiến sỹ Henry Kissinger đã thốt lên: “Với chúng tôi một lần đánh nhau với các ông cũng thấy là quá đủ”[10]!
Theo Tiến sỹ Henry Kissinger, Cố vấn Lê Đức Thọ: “hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo...”. Còn cộng sự của ông - cố vấn pháp lý Lưu Văn Lợi thì cho rằng: “Cái không may của của Kissinger - một nhà ngoại giao nhiều thủ đoạn, nhà thuyết khách có tài, lại đối mặt với một người như Lê Đức Thọ, một chiến sỹ đã được tôi luyện trong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, một nhà lãnh đạo quyền uy, biết tiến, biết thoái, biết cương, biết nhu. Đấu tranh với Kissinger, ông nặng lòng cảm thông với nỗi đau của dồng bào đồng chí và vững tin ở sức mạnh ngàn năm của dân tộc, bất kể vũ khí, thủ đoạn hay đe dọa nào, một Nixon, một Kissinger không thể khuất phục được con người đó”[11].
TS Nguyễn Đình Luân - Nguyên Thư ký Hội đồng Khoa học Bộ Ngoại giao
[1] Ông Lê Đức Thọ “mổ xẻ” cố vấn Mỹ ở bàn đàm phán Paris, VnExpress, 26/1/2013, vnexpress.net
[2] Lưu Văn Lợi, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nxb Công an Nhân dân, HN, 1996, tr. 109-110
[3] Lưu Văn Lợi, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nxb Công an Nhân dân, HN, 1996, tr. 110,113
[4] Lê Đức Thọ, Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 438
[5] Lưu Văn Lợi, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nxb Công an Nhân dân, HN, 1996, tr. 211
[6] Lê Đức Thọ, Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 497
[7] Lê Đức Thọ, Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 532
[8] Lê Đức Thọ, Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 423
[9] Lê Đức Thọ, Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 82
[10] Chuyện Kissinger đến Hà thành, Văn Nghệ, 17/10/2021, baovannghe.com.vn
[11] Lê Đức Thọ, Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 490, 498
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!