Ngày 31/7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Đồng chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Dự điểm cầu tại tỉnh Sơn La có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Hội nghị đã quán triệt, triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi, thẩm quyền của các bộ, ban, ngành Trung ương; hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và việc công nhận vùng an toàn khu, xã an toàn khu, xã đảo, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ khẳng định, việc sắp xếp ĐVHC để phù hợp với tình hình thực tế của đất nước trong giai đoạn mới. Yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm từ kết quả đã triển khai; tìm giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện. Thống nhất về nhận thức và hành động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chú trọng công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân; quá trình thực hiện phải đảm bảo bài bản, khoa học, không nóng vội, công khai, minh bạch, đảm bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân sau sáp nhập; đảm bảo sự ổn định về chính trị, trật tự xã hội và đời sống nhân dân trong quá trình triển khai.
Các cấp, các ngành, địa phương cần xác định đây là việc làm khó, phải xây dựng kế hoạch thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; phát huy vai trò của người đứng đầu, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương, triển khai với quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu đề ra…
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!