Năm 2023, tinh giản biên chế hơn 7.000 người

Tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15-12-2023 là 84.140 người; năm 2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người....

Báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ cho biết điều này tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều nay (15-5).

Tinh giản biên chế hơn 7.000 người trong năm 2023

Chính phủ cho biết, trong năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước; nhận thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên.

Năm 2023, tinh giản biên chế hơn 7.000 người
Quang cảnh phiên họp. 

Cùng với đó, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả, đã tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 tiết kiệm chi ngân sách nhà nước đạt 53.887 tỷ đồng). Có 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có số tiết kiệm về chi ngân sách, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có số tiết kiệm cao; một số địa phương đã thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên phạm vi cả nước, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia đạt cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Đáng chú ý, các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành.

Tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15-12-2023 là 84.140 người. Năm 2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người....

Vẫn còn lãng phí, bộc lộ nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực

Đại diện cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đồng tình với nhiều kết quả tích cực, song cơ quan này đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Biểu hiện như: Còn hạn chế về hoàn thiện thể chế; sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí, nhiều dự án phải dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…

Ngoài ra, còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm...

Bế mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 15-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 33.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 33 để cho ý kiến về các nội dung còn lại trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy tới và xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền.

Năm 2023, tinh giản biên chế hơn 7.000 người
 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 33.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV xem xét 39 nội dung, trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp, 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và xem xét các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, có những nội dung có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam…

Lưu ý thời gian từ nay đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ bảy là rất gấp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình bảo đảm chất lượng cao để trình Quốc hội, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất.

Theo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới