Đồng chí Hoàng Quốc Việt, tên khai sinh là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905 tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Sinh ra trong bối cảnh đất nước bị nô lệ, nhân dân cơ cực, tròn 20 tuổi, người thanh niên giàu nhiệt huyết Hạ Bá Cang đã tham gia cách mạng.
Khi đang học năm thứ ba Trường kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng, Hạ Bá Cang tham gia phong trào bãi khóa và biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học vì tham gia bãi khóa, khoảng giữa năm 1926, Hạ Bá Cang về làm thợ sửa chữa máy ở mỏ Mạo Khê, rồi qua làm ở nhà máy cơ khí Carông tại Hải Phòng…
Năm 1928, anh công nhân Hạ Bá Cang được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, người thợ Hạ Bá Cang chính thức trở thành nhà hoạt động cách mạng, đi gây dựng, phát triển cơ sở cách mạng trong toàn quốc.
Năm 1929, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí Hoàng Quốc Việt vào Sài Gòn hoạt động. Khi thành lập An Nam Cộng sản Đảng, đồng chí được cử đi dự hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản. Đến Hải Phòng, đồng chí bị địch bắt, bị kết án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo.
Tại hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.
Cuối năm 1936, đồng chí được trả tự do, trở ra Hà Nội tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí cùng với các đồng chí: Trường Chinh, Lương Khánh Thiện, Trần Huy Liệu phát triển hệ thống tổ chức của Đảng, cơ sở cách mạng tại Bắc Bộ và hoạt động báo chí công khai. Năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Tháng 5/1941, tại Hội nghị Trung ương 8, khóa I của Đảng, đồng chí được cử vào Trung ương Đảng. Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám; sau đó được Trung ương Đảng cử vào Nam Bộ giúp Xứ ủy củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Là một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí được phân công giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; phụ trách công tác dân vận và mặt trận của Đảng; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Dù hoạt động ở đâu, làm bất cứ công việc gì, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn cống hiến hết sức lực, trí tuệ cho Đảng, cho dân tộc. Gần 70 năm hoạt động cách mạng, tấm lòng trung thành, tinh thần dũng cảm không gì lay chuyển; ý thức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của đồng chí là giá trị đạo đức trường tồn, tỏa rạng muôn đời.
Tinh thần Hoàng Quốc Việt được kế thừa và tỏa sángTinh thần và đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt được hình thành, hoàn thiện từ thực tiễn cách mạng và được hun đúc từ các giá trị đạo đức truyền thống của văn hóa Việt Nam, văn hóa Kinh Bắc và của quê hương Đáp Cầu.
Truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng của quê hương Đáp Cầu được phát huy mạnh mẽ khi Đảng ra đời, lãnh đạo toàn dân, trong đó có nhân dân Đáp Cầu tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chặng đường lịch sử nào, nhân dân Đáp Cầu cũng thể hiện tinh thần anh dũng, kiên cường, như tấm gương người chiến sĩ cách mạng tiền bối Hạ Bá Cang.
Quê hương Đáp Cầu ngày nay yên bình mà vững vàng. Con đường Hoàng Quốc Việt trải dài, nối 2 phường Đáp Cầu và Thị Cầu.
Chủ tịch UBND phường Hạ Thế Long cho biết: “Truyền thống cách mạng của Đáp Cầu là một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại. Thế hệ chúng tôi luôn biết ơn những người đi trước, gắng hết sức mình để xây dựng Đáp Cầu xứng đáng với truyền thống cách mạng anh dũng đã được cha ông xây đắp từ những năm tháng gian khổ trong chiến tranh”.
Tại các chi bộ, hoạt động giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng luôn được chú trọng, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên đề.
Đồng chí Trần Quang Lịch, Bí thư Đảng ủy phường Đáp Cầu cho biết: “Vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của đồng chí Hoàng Quốc Việt, phường đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của đồng chí, thu hút đông đảo người dân, nhất là học sinh tham gia.
Tấm gương Hoàng Quốc Việt được đưa vào các buổi sinh hoạt chi bộ, học tập lý luận chính trị, lồng ghép trong các buổi giáo dục truyền thống tại trường học, từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ”.
Người dân nơi đây vẫn kể cho nhau những câu chuyện về người thanh niên giàu nghị lực, về tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất của một người con Đáp Cầu.
Đồng chí Hoàng Kim Đức, sinh ra và lớn lên tại Đáp Cầu, hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 4, phường Đáp Cầu. Đồng chí Đức gọi đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa tôn kính vừa gần gũi là “cụ Việt”.
Đồng chí Đức cho biết: “Nhắc đến cụ Việt là nhắc đến một người làm cách mạng kiên gan và bền chí. Truyền thống yêu nước, đoàn kết của người Đáp Cầu cũng được học tập, tiếp nối từ cụ. Nhân dân Đáp Cầu trong những năm tháng chiến tranh gian khó đã một lòng theo cách mạng, kiên trung bám trụ, bền bỉ chiến đấu và chúng tôi tự hào về tinh thần ấy.
Thế hệ chúng tôi lớn lên trong chiến tranh, noi gương cụ Việt làm cách mạng. Đất nước hòa bình thì học tinh thần làm việc của cụ để tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước”.
Tình cảm của người dân Đáp Cầu với “cụ Việt” là tình cảm thiêng liêng, cao quý, là sự tôn kính và tri ân với một vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng ta, người con ưu tú của dân tộc.
Trong sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Bắc Ninh, Đáp Cầu cũng đang nỗ lực chuyển mình. Nhờ định hướng phát triển đúng đắn và sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Đáp Cầu từng bước vượt qua các khó khăn.
Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 12/2024, tổng ngân sách nhà nước đạt hơn 114 tỷ đồng (151% so với kế hoạch), tổng thu ngân sách phường đạt hơn 93 tỷ đồng (165% so với kế hoạch).
Toàn phường có 157 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với 3 sản phẩm OCOP. Về giáo dục, 3 nhà trường giữ vững đạt chuẩn quốc gia mức 2, tỷ lệ học sinh đỗ trung học phổ thông công lập đạt 71,43%. Hằng năm, phường đều đạt chuẩn văn minh đô thị, tất cả 7 khu phố đều đạt tiêu chí khu dân cư sạch…
Qua thời gian và những thay đổi về địa giới hành chính, diện mạo của Đáp Cầu đã từ làng lên xã, từ xã lên phố, từ khu phố lên phường. Trong quá trình đó, mạch nguồn truyền thống yêu nước và cách mạng của trấn Kinh Bắc xưa và tỉnh Bắc Ninh ngày nay luôn là nền tảng được tiếp nối, kế thừa và bồi đắp từ những di sản tinh thần quý báu của người cộng sản ưu tú Hạ Bá Cang - Hoàng Quốc Việt.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!