Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Trong những năm qua, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 44 tỷ USD. Các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá để kinh doanh, mang lại những lợi ích nhất định về kinh tế, văn hóa, xã hội, có khả năng phát triển nhanh, lâu dài và bền vững, tôn vinh văn hóa, bản sắc dân tộc, định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương cần tiếp thu các ý kiến trao đổi, chia sẻ thẳng thắn của các đại biểu tại hội nghị để có lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá trong thời gian tới. Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư; tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số; thu hút nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; hướng tới mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới