Trường học “Xanh, sạch, đẹp và an toàn” ở Sốp Cộp

Thời gian qua, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện hiệu quả phong trào trường học “Xanh, sạch, đẹp và an toàn”, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

 

 

“Khu vườn cổ tích” của Trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) được các giáo viên xây dựng từ phế liệu.

 

Đến Trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn (Sốp Cộp), dễ dàng nhận thấy không gian xanh trong lành, sạch đẹp mà trẻ được học tập và vui chơi, sinh hoạt hàng ngày. Trường hiện có 18 điểm trường, với gần 850 trẻ. Trường có 31 phòng học, trong đó có 20 phòng học kiên cố, 6 phòng bán kiên cố, 5 phòng học tạm. Với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, Trường đã khuyến khích giáo viên tự trang trí và làm đồ dùng dạy học, đồ chơi và trang trí lớp học từ phế liệu; đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ. Nhà trường đã tận dụng khuôn viên gần 200 m² để bố trí vườn cây, vườn hoa, vườn cổ tích, chợ quê, ao cá... tất cả cũng được làm bằng phế liệu, như lốp xe; đá sỏi lấy từ suối; các loại vỏ chai, hộp và nhựa...

 

Cô giáo Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Cán bộ, giáo viên toàn trường đã thu gom phế liệu, tự tay tạo nên những đồ vật hữu ích cho trẻ trong học tập, tạo môi trường thân thiện với trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất và sớm nhận biết những đồ vật ở môi trường xung quanh. Các điểm trường cũng được giáo viên, phụ huynh tu sửa lớp học, trồng cây xanh tạo khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Nhờ đó, hằng năm, trường có trên 85% học sinh đạt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong mọi hoạt động và trên 96% bé khỏe, bé ngoan, bé chuyên cần.

 

Hiện nay, mạng lưới trường lớp học ở Sốp Cộp được duy trì tốt, toàn huyện hiện có 19 đơn vị trường học trực thuộc, với 574 lớp, 15.201 học sinh. Bên cạnh việc cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, xây dựng, các trường đều tích cực thực hiện phong trào trường học "xanh, sạch đẹp và an toàn". Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sốp Cộp đã quan tâm đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; khuôn viên trường và các điểm trường đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cổng trường, tường rào, sân chơi, bãi tập, trang trí khuôn viên, trồng và chăm sóc cây, rau, hoa... để giáo dục học sinh gắn với môi trường;  rèn kỹ năng sống và trải nghiệm. Xây dựng các kế hoạch quy định về môi trường giáo dục ở trường học; sắp xếp quy hoạch khuôn viên hợp lý, khoa học, tiết kiệm mặt bằng; sử dụng các phòng học, phòng chức năng hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các công trình trong nhà trường; tổ chức trang trí lớp học, vệ sinh trường lớp sạch sẽ.

 

Đặc biệt, các trường học trong toàn huyện đã khuyến khích sự sáng tạo làm đồ dùng dạy học của giáo viên bổ sung vào các đồ dùng, thiết bị còn thiếu; tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể tại điểm trường, như: Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, tuyên truyền giáo dục học sinh về an toàn giao thông, về sức khỏe sinh sản, phòng tránh đuối nước, bạo hành xâm hại trẻ em và những việc học sinh không được làm... tại các điểm trường.

 

Nhờ tích cực thực hiện các tiêu chí xanh, sạch, đẹp và an toàn, chất lượng học tập, sinh hoạt của học sinh chuyển biến rõ nét, có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, hoàn thiện kỹ năng sống, nhất là những kỹ năng cơ bản, thông qua những hoạt động thực tế, như: Trồng rau, trồng cây bóng mát, làm tường xanh (trồng cây xanh thay thế bờ rào)... Đến nay, đã có hàng nghìn cây xanh được trồng ở các trường học; mỗi trường học đều có 3 khu bờ rào và tường xanh; có 9 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; công tác phổ cập trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được duy trì tốt.

 

Chị Tòng Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sốp Cộp, chia sẻ: Việc xây dựng điểm trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện với học sinh, tạo hứng thú và phấn khởi cho học sinh mỗi ngày đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và tạo nên sự cân bằng giữa các điểm trường trong cùng một trường. Phong trào gồm các hoạt động làm vườn rau, trồng cây cảnh, làm đồ dùng dạy và học, nhặt và phân loại rác thải... Nổi bật là Vườn rau học trò, Vườn em xanh, Kế hoạch nhỏ... Cách làm này được triển khai từ năm 2016 đến nay, xuất phát từ điều kiện học sinh bán trú, học sinh vùng còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

 

Hằng năm, các trường học trên địa bàn huyện thu hoạch trên 20 tấn rau các loại do chính giáo viên và học sinh chăm sóc. Số thực phẩm này vừa để cải thiện bữa ăn cho trẻ, học sinh bán trú vừa bán để gây quỹ lớp, quỹ đội nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, giáo dục học sinh lao động rèn luyện sức khỏe, tăng cường tình đoàn kết khu bán trú, tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thông qua hoạt động tập thể này. Điển hình có các trường PTDT Bán trú TH&THCS Sam Kha, Trường Mầm non Hoa Phong Lan (Mường Lạn), Trường Tiểu học Mường Lạn...

 

Việc xây dựng cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp và an toàn đã góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới