Chuyện nghề của những nữ phóng viên

Trẻ trung năng động và luôn nhiệt huyết với nghề, đảm trách nhiều phần việc từ phóng viên, biên tập viên, quay phim, dẫn hiện trường đến dựng hình... tạo nên các tác phẩm trên truyền hình. Đó là câu chuyện của những nữ phóng viên Trung tâm Truyền thông văn hóa huyện Sông Mã.

Các nữ phóng viên của Trung tâm Truyền thông Văn hóa huyện Sông Mã tác nghiệp tại cơ sở.

 

Sau nhiều lần hẹn, tôi có dịp trò chuyện cùng hai nữ phóng viên Trương Thủy và Ngô Hà của Trung tâm Truyền thông Văn hóa (TTVH) huyện Sông Mã. Đối với tôi, họ không chỉ là đồng nghiệp mà còn là những cộng tác viên của tòa soạn Báo Sơn La tin cậy, thân thiết ở cơ sở. Câu chuyện về nghề làm báo ở vùng đất biên giới nắng, gió luôn đầy ắp những kỷ niệm và những khó khăn mà nhà báo nữ phải vượt qua.

Trương Thị Thủy, nữ phóng viên gắn bó lâu năm nhất ở Trung tâm TTVH huyện Sông Mã với 12 năm “vác máy”. Dấu chân của chị đã in khắp các bản, làng từ vùng cao biên giới; mỗi lần đi cơ sở là một lần chị được gặp gỡ, trò chuyện, hiểu thêm về phong tục, tập quán cũng như những khó khăn vất vả của bà con, đó chính là động lực để chị gắn bó với nghề.

Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ lần đi công tác tại bản Huổi Khe, giáp biên giới ở xã Mường Cai. Chị Thủy kể: Sau khi thu thập tư liệu xong ở bản trở về trụ sở UBND xã trời đã tối đen. Quãng đường từ trụ sở xã ra đến quốc lộ còn hơn 10 km đường đất, dân cư lại thưa thớt, đường vắng không bóng người. Lúc đó, gọi điện cho chồng và được động viên cứ đi tiếp rồi sẽ đón dọc đường. Dù cố giữ bình tĩnh nhưng tôi vẫn vừa đi vừa khóc như đứa trẻ lạc mẹ. Giờ mỗi lần nghĩ lại chuyến công tác đó vẫn vừa sợ, vừa buồn cười, nghĩ mình thật trẻ con”.

Là phóng viên đã vất vả, nhưng là nữ phóng viên còn vất vả hơn nhiều bởi ngoài công việc, họ còn thiên chức làm mẹ, làm vợ. Chị Trương Thị Thủy kể: Có lần vì con còn nhỏ nên chồng phải đưa đi cùng lên tận vùng cao để làm phóng sự về Tết của đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lầm. Cả gia đình phải đi từ sáng sớm, chồng đèo vợ, con và máy quay, đi mãi đến trưa mới đến được bản. Để quay đủ tư liệu về Tết của đồng bào Mông nên cả gia đình phải ngủ lại bản. Có chồng hiểu và thông cảm, chăm sóc con, nên mình mới hoàn thành công việc.

Còn nữ phóng viên Ngô Hà, gắn bó với nghề đã 11 năm, tình yêu nghề đã giúp chị khắc phục mọi khó khăn, gắn bó công việc. Hành trang làm báo đầy ắp những kỷ niệm, từ một nữ phóng viên trẻ hăng hái leo núi cả ngày trời để ghi được những thước phim chân thật nhất về hành trình triệt phá cây thuốc phiện trong lõi rừng đặc rụng ở xã Huổi Một, hay một mình đi xe máy trên đường với lỉnh kỉnh máy móc để đến với bà con vùng khó khăn nhất...

Trải lòng về chuyện nghề, chị Hà tâm sự: “Công việc nhà đài với nam giới còn đỡ, chứ với phụ nữ ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, vì giờ giấc thất thường. Nói chung, để gắn bó được với nghề phải có đam mê mới có thể giúp mình vượt qua tất cả khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhanh nhạy thông tin cơ sở để truyền tải đến nhân dân”.

Trung tâm TTVH huyện Sông Mã hiện có 4 phóng viên; trong đó, có 3 phóng viên là nữ. Mặc dù với đa phần là phóng viên nữ, nhưng số lượng cũng như chất lượng các tin, bài rất ấn tượng, từ đầu năm đến nay, Trung tâm TTVH huyện Sông Mã đã xây dựng 60 chương trình phát thanh, 52 chương trình truyền hình, mở 63 chuyên mục tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Yêu nghề, say nghề, những phóng viên nữ của Trung tâm TTVH huyện Sông Mã đã có nhiều tác phẩm xuất sắc, ghi dấu bằng nhiều giải cao tại các Liên hoan phát thanh truyền hình tỉnh; được Bộ Công an tặng Bằng khen về phóng sự “Tình trạng buôn bán người trên địa bàn biên giới”. Đối với các chị, đó là những món quà tinh thần, thêm động lực để gắn bó với nghề nơi biên giới của Tổ quốc thân yêu.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới