Đồng bộ các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng

Nằm sát vùng lõi của khu rừng đặc dụng Tà Xùa, xã Háng Đồng có hơn 5.500 ha rừng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Háng Đồng đã tích cực phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm huyện Bắc Yên triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân xã Háng Đồng

Ông Mùa A Mang, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng, cho biết: Xã thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng; hằng năm xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn xã; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR giữa các trưởng bản với xã và giữa các hộ dân. Tổ chức củng cố kiện toàn các tổ, đội PCCCR của 5 bản, lấy lực lượng dân quân, công an viên, đoàn viên thanh niên làm nòng cốt. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các nghị định, chính sách liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng tới người dân. Thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, để người dân coi rừng là nguồn tài sản chính của gia đình.

Các tổ, đội bảo vệ rừng của các bản thường xuyên phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm soát rừng, phát hiện, kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng trái phép; tích cực tham gia các cuộc diễn tập PCCCR do huyện, xã tổ chức để nâng cao kỹ năng ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra. Anh Sòi Ngọc Thùy, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Háng Đồng, chia sẻ: Hằng năm, trước mùa khô, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát nương, dọn thực bì, triển khai các phương án PCCCR. Tăng cường kiểm tra quản lý bảo vệ rừng, phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi phá rừng, đốt rừng làm nương.

Bản Háng Đồng có 216 hộ, đang quản lý và bảo vệ 1.500 ha rừng phòng hộ. Bản tăng cường phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR, tác hại của việc chặt phá rừng; phát huy vai trò cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ rừng. Xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng của bản, quy định rõ trách nhiệm của các hộ dân tham gia tuần tra, bảo vệ, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Mùa A Pềnh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Háng Đồng, cho biết: Bản thành lập tổ bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng với 10 thành viên. Hằng năm, tổ chức cho 100% hộ ký cam kết không đốt rừng làm nương; thực hiện nghiêm các quy ước của bản về bảo vệ rừng. Nếu có trường hợp phát vén, phá rừng, thì bản chuyển số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng vào quỹ của bản, không được công nhận là “Gia đình văn hóa”; đồng thời, báo kiểm lâm xử lý theo pháp luật. Nhiều năm nay, rừng của bản luôn xanh tốt, không còn xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Làng Sáng là bản nằm ở vùng lõi rừng đặc dụng Tà Xùa, có 112 hộ, quản lý, bảo vệ trên 1.600 ha rừng; hằng năm được hưởng trên 1 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng nâng cao, nhiều năm nay, bản không còn các vụ xâm phạm, phá hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Ông Mùa A Tháy, người dân bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, chia sẻ: Nhân dân trong bản nhận thấy được nhiều lợi ích từ rừng mang lại, nên 100% số hộ trong bản đã ký cam kết bảo vệ rừng, cùng nhau giữ rừng xanh tốt.

Từ năm 2022 đến nay, xã Háng Đồng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho 1.500 lượt người của 5 bản; xây dựng, triển khai các phương án PCCCR mùa khô. Thành lập 5 tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng của các bản, với gần 500 thành viên, chủ yếu là lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên và chủ rừng. Xã phối hợp trồng mới 310 ha rừng và hơn 5.000 cây phân tán các loại. Trong đó, 160 ha là rừng phòng hộ, 150 ha rừng đặc dụng, nâng độ che phủ rừng của xã lên 46%.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong bảo vệ và phát triển rừng ở xã Háng Đồng đã mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ duy trì và nâng cao độ che phủ rừng, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới