Thực thi nhiệm vụ biên phòng, gìn giữ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là một nhiệm vụ đặc biệt của mỗi quốc gia, dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, bằng kinh nghiệm xương máu, cha ông ta đã đúc kết thành hệ thống kế sách, phương lược về biên phòng, đó là một bộ phận của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật giữ gìn an ninh quốc gia Việt Nam. Nét độc đáo của kế sách và phương lược biên phòng của chúng ta là ở giải pháp xây dựng “nền biên phòng toàn dân” và triển khai sẵn, triển khai từ sớm, thực hiện ngay trong thời bình. Có như vậy, “phên giậu” của quốc gia mới vững chắc như “phiên giáp”, “tường thành”...
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực thi nhiệm vụ biên phòng trên địa bàn tỉnh Sơn La, 60 năm qua, kể từ khi thành lập (03/01/1963), Bộ đội Biên phòng tỉnh đã dày công thực thi kế sách, triển khai phương lược, vun đắp “nền biên phòng toàn dân”, “thế trận lòng dân” vững chắc, đó là cơ sở nền gốc về vật chất và tinh thần cho xây dựng tuyến biên giới quốc gia vững chắc.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia gắn với địa bàn tỉnh Sơn La dài hơn 274 km, với 125 cột mốc quốc giới, tiếp giáp 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Khu vực biên giới của tỉnh là địa bàn trọng yếu, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, gồm 8 thành phần dân tộc cùng sinh sống (Thái, Mường, Mông, Kinh, Khơ Mú, Sinh Mun,Tày, Lào). Trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới còn có những hạn chế nhất định; một số nơi còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, lối sống chưa khoa học... Trên tuyến biên giới, những năm trở lại đây, tình hình buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách “móc nối”, “lôi kéo” quần chúng nhân dân hòng xây dựng cơ sở ngầm, âm mưu thành lập “Vương quốc tự trị”, đe dọa tới an ninh biên giới, an ninh quốc gia, gây áp lực lên khu vực nội địa.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn quán triệt và thấm nhuần, kiên trì thực hiện tư tưởng hành động “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Các chiến sĩ thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình địch và các loại đối tượng. Đồng thời, tham mưu và trực tiếp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc. Sáng tạo triển khai nhiều mô hình ý nghĩa, hiệu quả, như: Mô hình “Trồng cây Mận hậu trên đất dốc” tại xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu; “Trồng cây chanh leo” ở địa bàn xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu; “Nuôi dê sinh sản” ở địa bàn xã Chiềng On, huyện Yên Châu và xã Chiềng Khương, Mường Sai, huyện Sông Mã; mở các lớp dạy học “Xóa mù chữ” ở địa bàn các bản giáp biên giới của huyện Sốp Cộp; mô hình “Bữa sáng cho em” ở địa bàn Lóng Sập, huyện Mộc Châu; “Hũ gạo tình thương”, chương trình “Nâng bước em tới trường và con nuôi Đồn Biên phòng”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Trạm xá quân dân y”, “Tổ quân y lưu động”, “Tiếng loa Biên phòng”.... ở 10/10 Đồn Biên phòng.
Các chương trình và mô hình trên đã đưa cán bộ, chiến sĩ gắn bó mật thiết với nhân dân, cùng trăn trở tìm ra hướng mới, hiệu quả, giúp đỡ không ít hộ dân khu vực biên giới phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo; mỗi năm đã làm từ 10 - 20 “Mái ấm cho người nghèo”; vận động và tặng cho trên 1.000 suất quà Tết/năm cho các hoàn cảnh khó khăn; xóa mù chữ cho 70 - 150 người/năm; nuôi dạy, hỗ trợ thường xuyên cho từ 80 - 150 cháu học sinh nghèo có thêm các điều kiện đến trường, không bỏ học giữa chừng, góp phần nâng cao dân trí cho lớp công dân tương lai của khu vực biên giới. Cấp phát thuốc, chữa bệnh và xóa bỏ hủ tục cúng bái khi đau ốm cho từ 400 - 600 người dân/năm; ngăn chặn thành công, không để các loại dịch bệnh xâm nhiễm qua biên giới.
Với phương châm, kiên trì thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, “Nghe dân nói, nói dân tin, làm dân hiểu”, các chiến sĩ ở các Đồn Biên phòng thực sự là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân về mọi mặt. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy luôn đề cao và yêu cầu mỗi chiến sĩ Biên phòng quá trình công tác ở địa bàn phải là những tuyên truyền viên về pháp luật cho nhân dân. Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới” từ năm 2013 đến năm 2019, hằng năm đều được Bộ đội Biên phòng tỉnh chuyển tải tới gần 2.270 lượt cán bộ và quần chúng nhân dân, trọng tâm là các vấn đề pháp luật, tình huống pháp lý mà nhân dân dễ bị vi phạm; góp phần làm chuyển biến căn bản, giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật của nhân dân ở địa bàn biên giới những năm qua. Vận động thành lập 72 tổ tự quản với 44.933 hộ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Tinh thần xả thân hy sinh, đấu tranh quyết liệt của Bộ đội Biên phòng tỉnh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy đã góp phần to lớn làm “trong sạch địa bàn”; chặn đứng “cơn bão ma túy” tràn qua khu vực biên giới, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Đánh giá cao về những đóng góp của các chiến sĩ Biên phòng đối với địa bàn biên giới trong những năm qua, ngày 24/2/2016, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành và triển khai Kết luận số 233 - KL/TU ngày 24.02.2016 về Đề án “Bố trí chức danh cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tăng cường các xã biên giới”; ngày 05/02/2020, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Kết luận số 68-KL/TW về tăng thêm số lượng cấp ủy cấp huyện, xã biên giới, hải đảo. Kết quả, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lựa chọn và bố trí, tăng cường thường xuyên 17 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy của 17 xã biên giới, phụ trách công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới; giới thiệu 6 đồng chí Chỉ huy Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện; phân công 70 đồng chí đảng viên của các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt ở các chi bộ bản biên giới. Qua đó, đã giúp nâng cao đáng kể chất lượng, nền nếp hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở các xã biên giới và gắn bó mọi hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương phù hợp với tính chất, nhiệm vụ biên phòng của địa bàn biên giới.
Với trách nhiệm cao, tâm huyết, nghĩa tình với nhân dân khu vực biên giới và phương pháp tổ chức thực hiện khoa học, phù hợp với thực tiễn, dấu ấn của Bộ đội Biên phòng với địa bàn tỉnh Sơn La là vô cùng sâu sắc. 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng Sơn La đã góp sức cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương giữ vững “Thế trận lòng dân” và “Nền biên phòng toàn dân” được củng cố vững chắc, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; quy tụ được tình cảm, ý chí, niềm tin và trách nhiệm của nhân dân đối với việc quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và củng cố tiềm lực biên phòng. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao; nhân dân quý trọng, yêu thương, đùm bọc; mối quan hệ máu thịt, đoàn kết Quân - Dân ngày càng bền chặt, tô thắm truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”; danh xưng đẹp đẽ “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sĩ quân hàm xanh trên mặt trận văn hoá”… luôn là hình tượng đẹp trong lòng nhân dân Sơn La.
Trong những năm tới, nhiệm vụ công tác biên phòng sẽ càng gia tăng và yêu cầu cao hơn nữa; tính chất và đặc điểm hoạt động của các thế lực thù địch với địa bàn biên giới nước ta nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng, dự báo vẫn còn tiềm ẩn và phát sinh nhiều nhân tố phi truyền thống. Với phương lược và kế sách để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới thông qua giải pháp xây dựng “Nền biên phòng toàn dân” vẫn sẽ là giải pháp mang tính bền gốc, sâu rễ trong giai đoạn hiện nay. Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công tác Biên phòng và ưu tiên, sáng tạo hơn nữa trong tiến hành củng cố “Nền biên phòng toàn dân” vững chắc.
Một số hoạt động của BĐBP Sơn La
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!